Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Biến động thị trường] Nông dân lo lắng nhãn được mùa mất giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm đầu tháng 8, các vựa nhãn ở khu vực phía Bắc đã bước vào vụ thu hoạch chính. Vụ nhãn năm nay được đánh giá là được mùa song giá bán lại đang thấp kỷ lục, khiến người nông dân không khỏi lo lắng được mùa mất giá.

Giá nhãn rẻ... như rau
Tại hệ thống siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội và mạng xã hội kinh doanh online như Zalo, Facebook... những ngày này tràn ngập chào bán các loại nhãn. Khảo sát của phóng viên tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, mặt hàng nhãn “nước” được các tiểu thương chào bán với giá rẻ, chỉ 12.000-15.000 đồng/kg, loại nhãn to, cùi dầy có giả bán cao hơn từ 20.000-22.000 đồng/kg. Trên mạng xã hội  Zalo, Facebook  mặt hàng nhãn Sông Mã (tỉnh Sơn La) được nhiều địa chỉ online rao bán “giải cứu” với giá từ 14.000-15.000 đồng/kg đối với loại nhãn phổ thông, nhãn loại I trồng theo tiêu chuẩn VietGap mặc dù giá bán có nhỉnh hơn những cũng không quá 25.000 đồng/kg.
Thực tế cho thấy mặc dù giá bán khá rẻ nhưng sức mua vẫn “ì ạch”, chị Kim Hoa kinh doanh mặt hàng hoa quả tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, mùa nhãn năm 2020 giá bán lên đến 45.000-50.000 đồng/kg nhưng nay chỉ bằng phân nửa năm trước, thế nhưng sức mua không tăng mà còn giảm hơn vụ thu hoạch trước.
“Mọi năm khách hàng mua cả tạ nhãn đóng thùng gửi sang nước ngoài hoặc gửi đi các tỉnh miền Trung làm quà tặng, thế nhưng năm nay chỉ bán được cho khách mua lẻ nên mỗi ngày tiêu thụ được 30-35 kg nhãn”- chị Hoa chia sẻ.  
Thêm nỗi khổ vì dịch Covid-19
Lý giải nguyên nhân khiến giá nhãn giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ không được như mong muốn, các tiểu thương có chung ý kiến, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội, chợ đầu mối đóng cửa nên việc tiêu thụ sản phẩm nhãn gặp nhiều khó khăn.
 Tuần lễ nhãn lồng Sơn La tổ chức tại siêu thị Big C năm 2020

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La Vũ Đức Thuận cho biết, hiện diện tích trồng nhãn của tỉnh Sơn La lên đến 12.000ha, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Sông Mã với diện tích 7.286 ha, năm nay sản lượng nhãn được mua với số lượng ước đạt 70.186 tấn. Dù nhãn được mùa nhưng  người trông nhãn  tỉnh Sơn La vẫn thấp thỏm, đứng ngồi không yên bởi nỗi lo được mùa mất giá.
Nếu cùng kỳ năm ngoái, giá nhãn tươi đầu mùa dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg. Đến thời điểm này khi vào vụ thu hoạch chính vụ,giá nhãn tại vườn chỉ còn 8.000-10.000 đồng/kg, còn loại nhãn xoáy để sấy làm long nhãn chỉ 6.500.000-7.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia kinh tế, vụ thu hoạch nhãn chính vụ năm nay rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương giãn cách xã hội nên việc vận chuyển về những thị trường tiêu thụ chủ yếu như TP Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa... gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm sút.
Tương tự dịch Covid-19 cũng khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu nhãn Việt Nam không hề dễ dàng trong khâu vận chuyển, thông quan. Ngay chính thị trường Trung Quốc cũng đang bùng phát dịch Covid-19 trở lại khiến thương lái Trung Quốc hủy hợp đồng tiêu thụ nhãn tươi, không thu mua long nhãn…
Việc xuất khẩu mặt hàng này sang EU, Nhật Bản, ASEAN cũng không dễ dàng bởi hầu hết diện tích trồng nhãn tại 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên không được trồng theo tiêu chuẩn VietGap nên chưa đáp ứng các tiêu chí, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của những thị trường này.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, để hỗ trợ người dân 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên tiêu thụ sản phẩm nhãn qua đó hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá, đơn vị đã tập trung triển khai các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nhãn thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước (Lazada, Tiki, Shopee, Sendo) và quốc tế lớn trên thế giới (Amazon, Alibaba…).