Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến động tỷ giá: Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những tưởng động thái tăng giá USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cất đi một gánh nặng cho doanh nghiệp khi cơ chế hai giá được xóa bỏ nhưng trên thực tế giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên."

KTĐT - Những tưởng động thái tăng giá USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cất đi một gánh nặng cho doanh nghiệp khi cơ chế hai giá được xóa bỏ nhưng trên thực tế giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên."

Lo giá USD tiếp tục leo thang

Chưa đầy một tuần sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng và hiện ở mức 21.720 đồng - 21.790 đồng (mua vào/bán ra).

Trăn trở khi tỷ giá USD được điều chỉnh lên cao, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, để có USD thì các doanh nghiệp thép từ cuối năm 2010 đã phải chấp nhận giá USD cao hơn với niêm yết của ngân hàng từ 1.000-1.400 đồng.

“Việc điều chỉnh lần này cũng chỉ là một công nhận chính thức của Ngân hàng nhà nước để kéo giá USD tự do sát với giá thực tế mà thôi chứ các doanh nghiệp thép đã phải chấp nhận mức chênh lệch tỷ giá từ lâu rồi.”

Theo ông Cường, việc điều chỉnh này được hiểu là minh bạch hơn, doanh nghiệp không phải chấp nhận các chi phí vòng vèo để có được USD, đặc biệt là với doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị lên sàn thì rất khó khăn trong việc phải minh bạch vì phải chấp nhận rất nhiều phụ phí để có được USD.

Nhưng mối quan tâm lớn nhất mà ông Cường đề cập đến chính là tác động của lần điều chỉnh này có làm giá USD tự do tăng lên hay không và liệu ngân hàng có đủ USD để cho các doanh nghiệp vay hay không.

“Cần phải quản lý thị trường ngoại tệ chặt hơn tiến đến xóa được tình trạng hai giá USD như hiện nay,” ông Cường đề xuất.

Cùng chung những lo lắng, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cũng nói rằng tỷ giá luôn là một bài toán đau đầu với doanh nghiệp bởi tính riêng trong năm 2010 chênh lệch sau hai lần điều chỉnh tỷ giá thì Petrolimex đã lỗ gần 800 tỷ đồng.

Còn việc điều chỉnh tỷ giá lần này, mỗi 1 USD tăng tương ứng khoảng 1.400 đồng so với cuối năm 2010, cộng với mức chênh chưa được điều chỉnh do giá thế giới tăng cao (khoảng 2.000 đồng/lít) khiến mỗi lít xăng dầu chịu lỗ gần 3.000 đồng/lít.

“Rõ ràng đây là một tác động kép tới hoạt động kinh doanh xăng dầu bởi hàng nhập về thì đã bán đi rồi nhưng ngoại tệ vẫn chưa mua được phải vay, lúc vay thì tỷ giá chỉ 19.500 đồng nhưng hiện nay đã tăng lên 20.693 đồng rồi,” ông Dũng bày tỏ.

Để đa dạng nguồn cung và giảm áp lực về ngoại tệ, Petrolimex đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu từ Dung Quất ngay từ đầu năm với mức dự kiến mua trên 2 triệu mét khối/tấn.

Tuy nhiên, nguồn cung từ Dung Quất mới chỉ đảm bảo 30% nhu cầu thị trường, số còn lại doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu nên câu chuyện về tỷ giá và nguồn cung ngoại tệ luôn là mối quan tâm lớn.

Domino sẽ đổ?

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định về việc điều chỉnh tỷ giá giữa USD và VND thì ngay lập tức giá bán lẻ gas đã "nhanh tay" tăng thêm từ 15.000 đồng đến 17.000 đồng/bình và được bán với giá mới là 320.000 - 325.000 đồng/bình.

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng than thở trước việc biến động của tỷ giá trong nước, bởi chưa kịp thoát khỏi cảnh “chợ chiều” do tiêu thụ sụt giảm vào cuối năm 2010 thì chênh lệch tỷ giá mới lại làm giá  mỗi chiếc xe này đội thêm vài chục triệu đồng.

Hơn nữa, nhiều mặt hàng như điện, xăng dầu, sắt thép cũng đang nhấp nhổm tăng giá khi mà sức dồn nén từ giá đầu nguyên liệu đầu vào đang tăng cao.

Ông Phạm Chí Cường cho hay, dù giá thép mới tăng vào cuối năm 2010 nhưng trước áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào thì ngành thép cũng khó tránh khỏi việc điều chỉnh trong thời gian tới.

Tổng công ty xăng dầu Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng về mức lỗ của doanh nghiệp ngày càng phình to và hiện nay mỗi lít xăng dầu doanh nghiệp đang chịu lỗ gần 3.000 đồng/lít, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Như vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2011, sức ép tăng giá của nhiều mặt hàng đã được đặt lên bàn cân và câu hỏi đặt ra là liệu hàng hóa trong nước có leo thang hay không?

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, Tổ phó Tổ điều hành thị trường trong nước, chia sẻ mặc dù chưa điều chỉnh nhưng về lâu dài nhà nước không thể bù lỗ mãi cho các mặt hàng như điện, xăng dầu được.

Bởi một thực tế là sản xuất trong nước vẫn quá phụ thuộc vào việc nhập nguyên nhiên vật liệu từ bên ngoài, do vậy nếu kìm hãm quá lâu sẽ làm cho hàng hóa trong nước mất đi sức cạnh tranh thậm chí là xuất lậu (xăng dầu) khi giá chênh lệch so với thế giới.

Hơn nữa, nhìn vào mặt bằng giá điện của chúng ta hiện còn khá thấp so với khu vực, do thiếu vốn nên nhiều công trình đang chậm tiến độ và việc cấp điện cũng gặp nhiều khó khăn. Còn giá xăng cũng vậy, gần sáu tháng rồi nhưng vẫn chưa được điều chỉnh đã tạo ra một sự dồn nén cho doanh nghiệp.

“Về lâu dài vẫn phải tuân theo qui luật thị trường và nếu việc tăng giá là đúng thì vẫn phải cho các doanh nghiệp điều chỉnh,” ông An khẳng định.

Còn những mặt hàng nhà nước quản lý giá, nếu tăng một cách bất hợp lý thì các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và tính lại giá cho phù hợp đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình cụ thể.

Ông cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã có nhiều kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm… để cân đối cung-cầu và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu qua biên giới và lưu thông trên thị trường./.