Tham gia cuộc làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.
100% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, ngay từ đầu năm 2023, Huyện ủy Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.580 tỷ đồng (bằng 41,79% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ).
Huyện chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa Vietgap tại 4 xã với tổng diện tích là 40ha; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Vạn Thắng, với tổng diện tích là 2ha và nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác. Tổng sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là 138 sản phẩm (66 sản phẩm 3 sao; 72 sản phẩm 4 sao).
Đối với xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 30/30 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2022, huyện có 4/30 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung rà soát các tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và tổng điểm tự đánh giá đạt 57/100 điểm.
Hiện nay có 28/31 xã, thị trấn (chiếm 90,32% số xã, thị trấn) được tiếp cận hệ thống nước sạch tập trung, với trên 51,77% số hộ gia đình đang sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy đảm bảo chất nước với 50,12% số hộ gia đình đang sử dụng (đáp ứng yêu cầu tiêu chí huyện nông thôn mới về nước sạch)…
Để hoàn thành mục tiêu chương trình công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của huyện năm 2023, huyện đề nghị TP ưu tiên, hỗ trợ kinh phí kịp thời để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng trong đối với 5 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023. Các quận nội thành quan tâm và hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa.
Ngoài ra, đề nghị TP sớm ban hành hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp để làm cơ sở triển khai, tạo điều kiện cho Nhân dân chuyển đổi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Quan tâm phê duyệt xử lý khẩn cấp việc lắp đặt trạm bơm dã chiến, tiếp nước cho Trạm bơm Trung Hà phục vụ chống hạn cho trên 3.000ha vụ lúa Mùa, 1.200ha hoa màu của 12 xã trên địa bàn…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Ba Vì phải tập trung theo hướng lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn; tiếp tục phát huy các giá trị trong sản xuất nông nghiệp, văn hóa trong đồng bào dân tộc miền núi; lựa chọn làm điểm khu cụm công nghiệp để tạo đà phát triển dài hạn.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu huyện phải tập trung rà soát từng nội dung để khi Quy hoạch được phê duyệt có thể phát huy được ngay. Cụ thể, về phát triển dịch vụ, du lịch phải xác định đây là định hướng dài hơi, cần phải đưa vào quy hoạch để phát triển dài hạn. Đồng thời, tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, gắn với xây dựng các mô hình nông nghiệp kết với phát triển du lịch, phát huy thêm truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi để thúc đẩy du lịch.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng làng nghề không phải là thế mạnh của huyện, nhưng vẫn cần phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc thù gắn với thúc đẩy du lịch. Song song với đó phát triển khu công nghiệp ở vùng đồng bằng gắn với các cảng sông và phát triển một số cụm công nghiệp gắn với các sản phẩm chế biến nông sản…
Tập trung phát triển Ba Vì thành huyện nông thôn mới nâng cao
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, huyện Ba Vì có nhiều thay đổi khi đã biến khó khăn thành lợi thế, nâng cao đời sống người dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định, huyện Ba Vì đã nắm chắc và triển khai theo sát chủ trương của TP trong các lĩnh vực, trong đó, có Chương trình 04-Ctr/TU, nhất là về phát triển du lịch theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng biểu dương huyện đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tạo ra những kết quả đứng đầu TP. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới đạt 74,8 triệu/người/năm; tập trung cho các chỉ tiêu còn khó khăn như vùng sản xuất, nước sạch. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao...
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của huyện như: Chưa tạo sự liên kết sản xuất và các mô hình trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm; công tác quản lý đất đai; thiếu các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu phải xây dựng huyện Ba Vì đủ điều kiện trở thành huyện mẫu mực về phát triển nông nghiệp nông thôn của Thủ đô. Đồng thời đề nghị huyện Ba Vì tập trung hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững, trong đó, phát triển du lịch là mũi nhọn.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh các nội dung liên quan về nước sạch; quan tâm rà soát lại Quy hoạch để đẩy nhanh triển khai một khu công nghiệp và cụm công nghệ làng nghề. Ngoài ra, huyện phải tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, tập trung các dự án cho xã miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.