Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

GS.TS Mạch Quang Thắng - Nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm, chúng ta cần biến thách thức thành cơ hội, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí Thường trực Thành ủy tặng hoa và bức tranh Trống đồng chúc mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí Thường trực Thành ủy tặng hoa và bức tranh Trống đồng chúc mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Trên quan điểm đó, những năm qua, trước những thách thức đặt ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã chung sức, đồng lòng vượt qua, tạo được nguồn sức mạnh thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Thách thức nào trên con đường phát triển?

Các cụm từ “thách thức”, “nguy cơ”, “khó khăn” đều được hiểu gần giống nhau, và điều này cách đây 30 năm có lẻ, tức là tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (từ ngày 20 - 25/1/1994) đã xác định.

Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (đầu năm 2021), Đảng ta một lần nữa khẳng định lại sự hiện diện của 4 nguy cơ, thách thức đó, thậm chí còn cho rằng: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”[1].

Có thể thấy rằng, Đại hội XIII đã nhận rõ tính nghiêm trọng của các nguy cơ và có phần cụ thể hóa chúng, nhận thấy để rồi tìm cách khắc phục. Không những tìm cách khắc phục mà quan trọng là để giải quyết một việc vô cùng khó khăn; khó nhưng không thể không làm, đó là biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội, thành quyết tâm đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đúng là khó thật, cực khó. Khắc phục chúng đã khó rồi, ở đây còn làm cái việc như lật ngược tình thế, là biến cái ngược thành cái xuôi, biến cái xấu thành cái tốt, biến cái thách đố thành quyết tâm, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái có thể thành hiện thực. Nếu làm được như vậy thì sự phát triển của đất nước mới là điều ngoạn mục. Đó mới thực sự là ấn tượng của đà tăng tiến của khu vực và của thế giới từ cuối thế kỷ XX - một thế thế kỷ ken dày những yếu tố bi hùng - rồi tiếp nối mấy thập niên đầy rủi ro đầu thế kỷ XXI.

Hơn thế nữa, những vấn đề mới cũng xuất hiện, đó là sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là Cách mạng 4.0), không những tạo ra cơ hội phát triển, cơ hội cạnh tranh trong một thế giới phẳng, mà còn là một thách thức nếu không nhanh chân lại càng bị tụt hậu xa hơn các nước khác. Bản thân cuộc cách mạng đó cũng gây không ít phiền toái xét về mặt đạo đức xã hội cần chú ý khi vận dụng nó vào trong cuộc sống vốn đang rất phức tạp. Đó còn là nguy cơ, thách thức về chiến tranh và thiên tai (xét cho đến cùng là nhân tai): chiến tranh nóng; biến đổi khí hậu và nước biển dâng; dịch bệnh lan tràn, dịch này chưa qua, dịch khác lại tới, mà hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại, do đó làm khó cho con người khi tạo ra vaccine phòng ngừa, làm chao đảo cả thế giới, gây hậu quả lớn. Những thức thức này, thời nào cũng có, nhưng đáng lưu ý nhất ở đây là hiện nay mau lẹ hơn, diễn ra dày đặc hơn, mức độ lan nhanh hơn, dồn dập hơn, và điều đáng chú ý nhất ở đây là tai họa lớn hơn bao giờ hết.

Một thách thức, nguy cơ nữa cần kể đến, đó là tham nhũng tiêu cực, mà đã có Hội nghị T.Ư Đảng ghi vào nghị quyết rằng, đây là nguy cơ có thể làm mất cả chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mất cả Đảng. Nghiêm trọng đến thế. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chống, đang chống và sẽ chống như tuyên bố: không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kiên quyết xử lý theo đúng Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tất cả những nguy cơ nêu trên hiện diện ở trong tất cả các cấp, ngành, địa phương, làm cho đất nước phát triển chậm chạp nếu Đảng nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị đất nước nói chung lơ là, mất cảnh giác, không chú ý tìm cách khắc phục.

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Để phát triển nhanh và bền vững

Phát triển ở đây muốn nói là phát triển bền vững, không phải ào ào tăng trưởng kinh tế GDP mà không dựa trên một cơ sở chắc chắn nào. Muốn phát triển bền vững, phải tìm cách hạn chế, khắc phục các nguy cơ, lấy thách thức làm thành yếu tố kích cứa, bật ra ý chí quyết tâm vươn lên, không chịu tụt hậu.

Bao năm chống giặc ngoại xâm, Nhân dân Việt Nam đã không chịu nỗi nhục của mất nước và bị kẻ thù áp bức, đã vùng lên giành lấy độc lập, tự do. Nay, trong hòa bình, Nhân dân Việt Nam cũng không muốn chịu nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, không muốn thua chị kém em. Một dân tộc có bề dày văn hóa, con người Việt Nam đầy năng động, sáng tạo, chịu khó, chịu khổ, giờ đây thể hiện khát vọng cháy bỏng làm cho đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ, rõ nhất là trong “điều mong muốn cuối cùng” đầy tâm huyết của Người ở cuối bản Di chúc cách đây tròn 55 năm: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2].

Con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn: hoặc là bứt lên, trở thành một nước phát triển, nước công nghiệp hiện đại thu nhập cao, hoặc là không, mãi mãi không bao giờ, vẫn cứ chịu tụt hậu, chịu xếp ở top các nước đang phát triển với thu nhập thấp.

Cần có sự đột phá. Đúng như vậy. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu 3 đột phá: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Có thể nói rằng, cả 3 đột phá đó đều hướng vào một véctơ lực làm cho đất nước bứt lên mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, tạo ra “kỳ tích phát triển mới vì một nước

Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”[3].

Từ quan điểm đó, chúng ta chỉ cần cụ thể hóa ra, hướng tất cả các nguồn lực để phát triển: nguồn lực trí tuệ (nguồn lực con người), nguồn tài lực, và nói chung các nguồn tạo nên sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế để thực hiện cho tốt.

Về việc hoàn thiện thể chế phát triển, phải là thể chế đồng bộ. Đó là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI cuối năm 1986, đất nước đã chính thức bước vào đổi mới, nhưng chưa xây dựng nền kinh tế thị trường. Phải qua một quá trình đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đặc biệt qua vận hành của nền kinh tế trong những năm đầu đổi mới, dần dần, đến những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam mới bắt đầu áp dụng kinh tế thị trường.

Nhưng, điều đáng lưu ý ở đây là: đổi mới nhưng không đổi màu, vẫn giữ vững mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Điều này đã được ghi thành nguyên tắc của đổi mới trong nghị quyết của Đảng. Do đó, nền kinh tế thị trường ở nước ta được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai đả kích, thậm chí xuyên tạc, bóp méo rằng, kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, không thể có “cái đuôi” định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta vẫn kiên trì cho nguyên tắc đó. Điều này vừa thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng vừa phù hợp với quy luật phát triển kinh tế ở nước ta, một nước đang đi theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn luôn bảo đảm giữ vững bản chất xã hội chủ nghĩa của chế độ. Cho đến nay, đã có hơn 70 nước trên thế giới công nhận Việt Nam là nước có kinh tế thị trường.

Nền kinh tế thị trường đi liền với nền kinh tế nhiều thành phần, chịu sự chi phối của thị trường với một chế độ dân chủ trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nền dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các chính đảng, mà chỉ là phụ thuộc vào chất lượng của chính đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất trong xã hội và đóng vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Sự lãnh đạo, cầm quyền đó không phải cứ tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được mà là do Đảng đã “trồng cây uy đức”, trải qua nhiều hy sinh qua các giai đoạn cách mạng, được Nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo đưa đất nước phát triển. Đảng không có mục đích nào khác là mục đích đưa đất nước đi lên một chế độ xã hội chủ nghĩa đã được Nhân dân lựa chọn. Thế thì, cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” chẳng làm mất đi tính chất nền kinh tế thị trường.

Đột phá về thể chế ở nước ta đòi hỏi đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; tôn trọng tổ chức thực hiện theo luật pháp, ở đây là hệ thống luật pháp đồng bộ cũng như các cơ chế, chính sách, tiến hành trong thực tế vận hành có chất lượng, để tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế, sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Nói đến thể chế là nói đến công cụ luật pháp, nhất là trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nói đến thể chế là nói đến môi trường cho sự phát triển. Môi trường đó dứt khoát phải là môi trường trong sạch, lành mạnh, bảo đảm tính mục tiêu và không bị ô nhiễm chệch hướng. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chính xác khi xác định sự đột phá này; nếu không, sẽ rất tai hại, như tục ngữ Việt Nam đã nói: “sai một li đi một dặm”.

Đột phá tiếp theo là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở đây gắn với chiến lược giáo dục và đào tạo và đổi mới sáng tạo trong áp dụng khoa học và công nghệ. Đã không ít hơn một lần, Đảng đã khẳng định rằng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Nói đến nguồn nhân lực là nói đến chất lượng con người Việt Nam với hệ giá trị phải được khẳng định. Đó là: Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 7/5/1958: “Yêu chủ nghĩa xã hội: yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì Nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”[4]); có sức khỏe tốt; có đạo đức; có chuyên môn tốt. Nghĩa là vừa có phẩm chất vừa có năng lực, có chỉnh thể đức - tài, đức là gốc, vừa “hồng” vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời gian tới càng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhưng đáng chú ý ở đây không phải chỉ là giáo dục và đào tạo tại nhà trường mà là cả ở ba không gian: gia đình, nhà trường, xã hội, không được phép khoán trắng cho yếu tố nào.

Đột phá thứ ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đồng thời chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Những kết cấu hạ tầng chính là cơ sở để phát triển về mọi mặt của kinh tế - xã hội nước nhà. Quan niệm biện chứng ở đây hạ tầng không chỉ là vật chất đơn thuần mà phải là hạ tầng hiện đại trong thời đại của Cách mạng 4.0. Đấy mới là cái đáng cần của những nước phát triển sau, cần đi tắt đón đầu để giải quyết chữ “nhanh”. Phát triển một cách đồng bộ, vững chắc, không đánh đổi môi trường sinh thái để lấy tăng trưởng bằng mọi giá. Đó là một biểu hiện rõ nhất của sự “bền vững”. Một kết cấu hạ tầng mới yêu cầu là đủ tầm để giải quyết những vấn đề y tế, phòng và chống dịch bệnh, thiên tai, chống lại ảnh hưởng xấu từ những xung đột quốc tế gây khủng hoảng cho toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đã, đang hội nhập sâu và đầy đủ vào toàn cầu hóa.

Cái đích cuối cùng là mọi xây dựng kết cấu hạ tầng đều phải đưa lại cho dân một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, một đất nước mạnh giàu, một xã hội thái bình, an hòa... Trong những năm gần đây, hàng loạt các cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng, các cơ sở cho logistic được tạo ra; việc chuyển đổi số đang được tiến hành một cách tích cực. Khoa học và công nghệ đang là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của tất cả các lĩnh vực.

Việc thực hiện ba đột phá trên đây thực sự là một cuộc cách mạng, cả trong tư duy và hành động. “Tiến nhanh và bền vững” - có thể coi đây là khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay và trong thời gian tới. Cần chú ý là nói phải đi đôi với làm, khắc phục cho bằng được bốn căn bệnh: Nói nhiều làm ít; Nói hay làm dở; Nói mà không làm; Nói một đằng làm một nẻo. Thực tế càng chứng tỏ lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong bản Di chúc viết thật là chí lý về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta sau chiến tranh: “Công việc [xây dựng chủ nghĩa xã hội] là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[5].

-----------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr.108.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.614.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr.205.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.401.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.615.