Biến tiềm năng thành nguồn lực, để Hà Nội bứt phá
Kinhtedothi - Những quy định trong Luật Thủ đô 2024 là bước tiến về thể chế quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng của Hà Nội, đặc biệt về khoa học, đổi mới sáng tạo. Việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định này, sẽ gỡ được điểm nghẽn trong thực tiễn, tạo thành nguồn lực, thúc đẩy sự bứt phá của Thủ đô trong một giai đoạn mới.
Những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá
Như các chuyên gia đã chỉ ra, Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước, đây là lợi thế đặc biệt quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với những quy định mới trong Luật Thủ đô 2024, đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển bứt phá và khai mở, phát huy được các tiềm năng.

Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Thanh Hải
Trong Luật, các quy định đến vấn đề này được thể hiện ở nhiều điều, khoản, đặc biệt tại Điều 23 về “Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”, đã đưa ra nhiều chính sách đặc thù, nổi trội. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Luật cũng quy định, lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô bao gồm công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải các - bon, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác do HĐND TP quyết định. UBND TP ban hành danh mục, quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô.
Theo quy định của Luật, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô được áp dụng các chính sách như: Tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ được quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa; DN, tổ chức khoa học và công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách TP để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ; thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân... Đồng thời cũng quy định về các chính sách với hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ như khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm; DN, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách TP khi đáp ứng đủ điều kiện về năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm để phục vụ quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô… Luật cũng giao HĐND TP quy định chi tiết các nội dung này để thực thi.
Như các chuyên gia nhận định với những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, Luật Thủ đô sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Những điều được quy định trong Luật chính là hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, giúp cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có bước đột phá và phát triển mạnh mẽ. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội), Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo cơ sở pháp lý cho phép Hà Nội sử dụng ngân sách để phát triển khoa học - công nghệ. Vượt qua khuôn khổ vốn có đó là cho phép nghiên cứu khoa học có rủi ro, để Hà Nội có thể làm những gì lớn nhất, tiên phong nhất. Bên cạnh đó cũng đưa ra những cơ chế để thu hút những nhà khoa học, những nhân tài với cơ chế đãi ngộ vượt trội.
Tạo động lực tăng trưởng mới
Để cụ thể hóa các quy định của Luật, Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội (thực hiện khoản 2; điểm a, b, c khoản 3 Điều 23 của Luật Thủ đô) và Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của TP Hà Nội (thực hiện khoản 1; điểm d khoản 3; khoản 5 điều 23 của Luật Thủ đô). Việc ban hành 2 nghị quyết này là rất quan trọng đối với Hà Nội trong cái giai đoạn mới, là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển Thủ đô theo hướng khoa học, công nghệ, sáng tạo, bền vững. Trong đó, trọng tâm là tạo môi trường pháp lý, tài chính, tổ chức để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học, công nghệ; thúc đẩy mối liên kết Nhà nước - nhà khoa học - DN - nhà đầu tư; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, các chính sách đặc thù để phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo có các điểm nhấn rất quan trọng, với nhiều nội dung lần đầu tiên được thể chế hóa ở cấp TP. Cụ thể như, cho phép TP đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, nhằm khuyến khích DN, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu, được công nhận là nhiệm vụ trọng điểm và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội. Hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm và vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, tối đa 50% chi phí mua sắm với dự án sản xuất thử nghiệm, cùng việc hưởng ưu đãi tương tự DN công nghệ cao…
Trong khi đó, các quy định cơ chế, chính sách về đầu tư hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của TP đã cụ thể hóa các nội dung về đầu tư hỗ trợ hình thành, quản lý và vận hành hạ tầng khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ DN và các tổ chức khoa học công nghệ trong các hoạt động chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm được hỗ trợ lãi suất vay vốn tối đa 50% trong 3 năm và được ưu tiên tham gia các mô hình thử nghiệm có kiểm soát. Hà Nội đang đứng trước một vận hội lớn trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quy định đột phá từ Luật.
Như các chuyên gia nhận định, các quy định này là một "bước mở khóa thể chế", tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua trong quản lý, đầu tư và vận hành hoạt động khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo. Khi nghị quyết được thông qua và triển khai hiệu quả, chính sách mới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ năng lực nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa, tạo hành lang pháp lý, tài chính thuận lợi giúp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới của Thủ đô. Khi đó, Hà Nội sẽ không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về khoa học, công nghệ, mà còn trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô thông minh, xanh, hiện đại và bền vững.
Trích dẫn
Luật Thủ đô năm 2024 đã cho phép Hà Nội có điều kiện vượt trội để ban hành những chính sách đặc thù, vượt khung so với các địa phương khác, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì thế, việc ban hành các nghị quyết riêng quy định về cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp TP tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, tổ chức triển khai và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Hà Nội ban hành thêm 9 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024
Kinhtedothi - Thêm 9 nghị quyết triển khai thi hành các nội dung Luật Thủ đô 2024 vừa được thông qua tại Kỳ họp 25 HĐND TP Hà Nội. Trong đó có những nghị quyết mở đường cho mô hình phát triển kinh tế - văn hóa gắn với bảo tồn di sản, gìn giữ bản sắc Thủ đô.

HĐND Thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét 10 nội dung triển khai Luật Thủ đô 2024 tại Kỳ họp thứ 25
Kinhtedothi - Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, triển khai Luật Thủ đô 2024, Hà Nội ban hành 98 nội dung; từ đầu năm 2025 đến nay đã ban hành 24 văn bản theo thẩm quyền và trong kỳ họp này, HĐND TP tiếp tục xem xét 10 nội dung triển khai Luật Thủ đô.
Hà Nội phát triển bền vững: từ Luật Thủ đô tới lời tâm huyết của vị thượng nghị sĩ Mỹ
Kinhtedothi - Hà Nội có đặc thù quan trọng và Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 đã góp phần “chắp cánh” cho những tiềm năng đó phát triển hơn nữa trong hành trình trở thành một đô thị bền vững, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa XIII (2011-2016), Ủy viên Hội đồng Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam (VPDF), Đại sứ Hà Huy Thông chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị.