Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến tướng lễ hội: Tín ngưỡng hay cuồng tín?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 đến 15 năm nay, hình ảnh xấu xí của lễ hội cứ thế lặp đi lặp lại.

Bài 3: Cần sự đột phá để thiết lập trật tự lễ hội
Đã đến lúc, Bộ VHTT&DL nên nghĩ đến một hướng đột phá trong cách quản lý lễ hội, loại bỏ sự chồng chéo 3 đơn vị cùng quản lý nhưng khi có hậu quả thì “cha chung không ai khóc”, nên mời các chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức lễ hội đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… thiết lại trật tự lễ hội.
Cả nước bị Phật giáo hóa, mẫu giáo hóa

Ở Việt Nam hiện nay vào ngày đầu Xuân mọi người đi đền, chùa rất nhiều, nhưng chủ yếu cầu mong cái gì đó rất thực dụng, mong muốn cầu sao thì được vậy ngay lập tức, thiếu nền tảng, cơ sở của đạo lý, giáo lý. Việc tranh giành, cướp giật lộc cũng do người ta không hiểu được bản chất của lễ hội hay niềm tin tâm linh xuất phát từ mỗi con người. Tuy nhiên, chúng ta đang đẩy niềm tin tâm linh lên quá mức. Niềm tin đó bị đẩy từ những người có chức có quyền đến những người dân bình thường. Hệ lụy là kéo cả nước theo Phật giáo hóa, mẫu giáo hóa mà không hiểu sâu sắc đạo lý của các tôn giáo hay tín ngưỡng ấy khiến niềm tin tâm linh ấy trở thành mu muội. Sự mu muội trở nên mê tín thì thời nào cũng có, các sử sách biên niên cho thấy rõ điều đó. Trên thực tế, ở thời nào cũng thế, niềm tin tâm linh, tín ngưỡng ở mọi xã hội là câu chuyện rất bình thường. Ở Việt Nam là đức tin vào thần, vào thánh, còn nước khác theo đạo giáo thì họ tin vào đức chúa trời…
Cảnh tranh cướp Phết tại lễ hội Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phạm Hùng
Những sự lộn xộn của lễ hội hiện nay là do quản trị lễ hội không chuyên nghiệp và bản thân một số người quản lý cũng vẫn đang mê muội. Các ban quản lý, ban tổ chức lễ hội không theo kịp với sự chuyển biến rất nhanh, sự hội nhập của xã hội cũng sự thay đổi tâm lý, nhu cầu của người dân thành ra quản lý không theo kịp và chưa xứng tầm thời đại mà đa phần tổ chức theo kiểu trải nghiệm theo truyền thống, xưa làm thế nào thì nay vẫn làm thế.

Những hội làng ngày xưa với không gian nhỏ hẹp đã không còn phù hợp với lượng khách quá lớn so với khi hình thành không gian thiêng này. Đình, đền, chùa vốn chỉ là không gian chủ yếu dành cho cư dân trong làng xã hay một vài tổng. Nay cũng không gian ấy lại mở ra cho vùng, cả nước phục vụ sự phát triển du lịch hay giáo dục truyền thống hoặc thỏa mãn một niềm tin đang được mở rộng. Trong khi đó chúng ta chưa bỏ công sức nghiên cứu một cách thấu đáo cách tổ chức lễ hội hợp lý, các hoạt động có yếu tố tâm linh thu hút đông đảo người tham dự như thế nào trong điều kiện mới. Hiện nay, ở xung quanh Hà Nội có một vài lễ hội tìm ra phương pháp tổ chức hợp lý. Tôi còn nhớ, khoảng 10 - 15 năm trước, hội kéo co ngồi ở Hương Canh (Vĩnh Phúc) thể hiện một tinh thần đối kháng rất mạnh không những giữa các đội thi đấu mà cả những người cổ vũ. Nhưng đến nay câu chuyện đổi khác, việc xô xát kéo theo hoạt động này đã được giải quyết thông qua việc thay vì kéo ở bãi đất trống mà các cổ động viên hâm mộ quá khích luôn gần bên nhau dễ va chạm, Ban tổ chức đã đưa hai đội kéo co vào sân vận động, và ở đó chỉ có những người tham gia các đội kéo co mới được tranh giành đối kháng trực tiếp. Và vì thế, đến giờ lễ hội kéo co ở Vĩnh Phúc không cần đến đội ngũ công an bảo vệ dày đặc như trước.

Cướp phết ở Hiền Quan muốn không còn bạo lực không thể tổ chức theo kiểu hàng nghìn người vào dự hội đều xông vào cướp mà cần phải tổ chức theo một cách khác nhưng vẫn giữ tinh thần của nghi lễ này. Chẳng hạn, Ban tổ chức có thể tổ chức cướp phết phân theo đội. Nếu chỉ có đội A và đội B được vào tranh cướp, đó mới là nghi lễ. Các đội này có thể thay đổi theo năm để ai (đại diện thôn xóm) cũng có thể có lộc thánh; chứ không phải tất cả mọi người tham gia đều giành vào cướp lộc. Hoặc là ở đền Trần (Nam Định), sau nghi lễ khai ấn thường xảy ra hiện tượng lượng người quá tải, hàng nghìn người xông vào đền làm lễ; ai cũng muốn thắp hương, dâng lễ. Không gian chỉ có hạn, lượng người dự hội thì trở nên vô hạn. Vấn đề là phải giải quyết một cách khoa học như thế nào mà trước hết là phải từ quan niệm nhận thức của người quản lý về cách thức thỏa mãn nhu cầu tâm linh cho người đến hành lễ. Bình đẳng cho tất cả mọi người nhưng tổ chức cách tiếp cận với các vị thần linh thì lại phải rất linh hoạt. Có thể, Ban tổ chức không thể cho tất cả đều được vào trong đền hay nội cung làm lễ mà có thể chỉ đứng ở ngoài sân hoặc nên quy định số lượng người nhất định hành lễ theo từng đợt, xong một lượt thì tiếp theo lượt khác, lần lượt thứ tự qua thời gian tất cả mọi người sẽ được vào làm lễ. Tôi thấy ở đền Và Ban tổ chức đã giải quyết việc tổ chức hành lễ một cách rất khoa học nên ứng xử ở đó rất trật tự, văn minh là một thí dụ tốt để các nơi tham khảo.

1 di tích 3 cơ quan quản lý

Hiện nay hội làng gắn liền với các không gian vật chất của nó liên quan đến 3 cơ quan khác nhau quản lý, khai thác. Cục Di sản Văn hóa lo quản lý không gian vật chất như đình, đền, và giá trị văn hóa phi vật thể, nghĩa là lo ghi chép, lưu giữ giá trị như các hội làng... Mỗi hoạt động này của Cục lại do 2 phòng khác nhau quản lý độc lập. Hoạt động lễ hội lại do Cục Văn hóa cơ sở quản lý. Trong khi đó, di tích và lễ hội lại gắn với du lịch, các cơ quan phụ trách du lịch tổ chức khai thác. Cùng 1 di tích, không gian thực hành văn hóa bị xé ra trong chính một cơ quan là Bộ VHTT&DL, không có cơ quan nào làm đầu mối để giải quyết tổng thể những vấn đề bất cập mới nẩy sinh. Hiện tượng chồng chéo, xé nhỏ này cũng tiếp diễn ở cấp sở, 1 di tích cũng chia 3 nơi quản lý như Phòng Quản lý di sản, Ban quản lý di tích danh thắng và Phòng Nếp sống Gia đình.

Nếu các địa phương không thể tổ chức quản trị lễ hội tốt, cứ để tình trạng lộn xộn như hiện nay tiếp diễn làm xấu hình ảnh của đất nước thì nên nghĩ tới việc có thể thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để tư vấn cách quản lý lễ hội một cách hiện đại, văn minh và mang tính chuyên nghiệp. Hãy nhìn sang các nước bạn như Trung quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, họ tổ chức lễ hội, đón khách du lịch tại các địa chỉ nổi tiếng rất quy củ. Đó là nhờ công tác quản lý chuyên nghiệp. Các quy định, quy chế đều rất rõ ràng đi kèm những chế tài xử lý nghiêm khắc nếu ai cố tình vi phạm. Ở Hàn Quốc để giải quyết trong tranh cướp lộc, Ban tổ chức đã cho phép dây kéo co sau lễ hội được cắt thành từng đoạn để ai muốn thì cũng có một ít lộc về nhà. Đã đến lúc, Việt Nam cần những chuyên gia tư vấn nước ngoài để giải quyết tình trạng xấu xí của lễ hội đang lặp đi, lặp lại 10 đến 15 năm qua.

Công bằng mà nói, để dư luận bức xúc, một phần là bởi công tác truyền thông của chúng ta đang có vấn đề. Dường như nhiều tờ báo, cùng với các trang mạng xã hội đều tập trung phản ánh khía cạnh tiêu cực, xoáy vào các hình ảnh, hành vi phản cảm nơi cửa Phật, hoặc tại một hội lễ nào đó. Trong khi có không ít nơi làm tốt công tác tổ chức, lễ hội diễn ra trong trật tự, tươi vui thì lại rất ít được đề cập. Tất nhiên, là những địa chỉ vẫn cứ để xảy ra tình trạng lộn xộn hết năm này sang năm khác, trước tiên, trách nhiệm thuộc về Ban quản lý, người đứng đầu di tích hoặc Ban tổ chức lễ hội đó.

Trách nhiệm nặng là đương nhiên, bởi về nhiệm vụ tổ chức, người đứng đầu ngôi đền, chùa, hay trưởng ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội đó phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đành rằng, lễ hội có giữ được kỷ cương, văn minh hay không còn nhờ vào ý thức của khách thập phương. Nhưng trước hết, tôi muốn nhấn mạnh phải làm tốt công tác quản lý.

Nhắc đến trách nhiệm quản lý là nhắc đến người đứng đầu và các thành viên trong ban quản lý đó. Ở các địa phương nơi có đền chùa thì đó là vị sư trụ trì, còn đối với các khu di tích thì đó là trưởng ban quản lý, với lễ hội là trưởng ban tổ chức. Tôi lấy thí dụ như Ban quản lý di tích Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), họ làm rất tốt và quy củ, bởi ở đây có vị trưởng ban rất nghiêm và am hiểu di tích. Hội Gióng ở Phù Đổng, hội Giá ở Yên Sở, hội đình Lưu Xá ở Chương Mỹ tổ chức rất nghiêm... Rồi lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, thiết lập được trật tự. Để khắc phục được những bất cập ấy thì công tác quản lý phải tốt. Muốn quản lý tốt thì phải xốc lại các ban quản lý này. Thử hỏi ở các di tích, lễ hội, mấy người trong ban quản lý được học tập, tập huấn, am hiểu về cách quản lý hoạt động di tích hay đền chùa một cách chuyên nghiệp, phù hợp với sự thay đổi của thời đại?

Các ban, ngành chức năng, nhất là ngành văn hóa phải thật sự chú ý đến công tác tổ chức ở những di tích, lễ hội để nảy sinh nhiều tiêu cực. Tạo điều kiện tập huấn những kỹ năng cần thiết cho cán bộ quản lý cấp cơ sở để có những nhận thức đúng, kiến thức, kỹ năng cần thiết, hướng đến tính chuyên nghiệp. Sớm xây dựng các quy định và chế tài nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương nơi những không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

Hầu hết con người đều có niềm tin tâm linh. Nếu niềm tin tâm linh là bình thường thì những việc chen lấn, xô đẩy, tranh giành nhau hoặc tin tưởng thái quá lao vào như con thiêu thân trong việc thực hành tâm linh là bất thường, đó thể hiện là sự mù quáng của một lớp người nhất định trong xã hội tạo ra sự hỗn loạn trong lễ hội mà chúng ta thấy hiện nay.

Công tác quản lý lễ hội ở Việt Nam đang chồng chéo, không tập trung giải quyết những câu chuyện nóng bỏng, những vấn đề cơ bản cho hiện tại và tương lai mà chỉ hướng chủ yếu về khai thác.