Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Biết bố mày là ai không?” - một câu hỏi khó!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiên hạ giờ lạ lắm, ra đường hễ có va chạm chẳng mấy khi người ta “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; câu trước câu sau nhiều kẻ đã sẵn sàng vỗ ngực “có biết bố mày là ai không?”. Và cụm từ vừa nêu đã trở thành câu cửa miệng của… những người xã hội!

Để “làm nóng” chủ đề hôm nay, xin bắt đầu bằng một câu chuyện mà tôi “chôm” được trên internet (xin trích nguyên văn): “Ngày 26/7/2019, trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines, ông C - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ ĐL, bị tố sàm sỡ một nữ hành khách. Hành vi của ông C được mô tả là: “sờ vào vai em rồi lần dần xuống phía sườn”. Cơ trưởng chuyến bay VN253 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh đã quyết định từ chối phục vụ, đuổi khỏi máy bay.

Đến nước này ông C còn phản ứng: “... Mày biết bố mày là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?". Liền lúc đó có vị khách ngồi ghế trên ngó ra sau: Điện thoại nè, ai gọi thì gọi đi, cho 5 phút (vị hành khách này được cho là một quan chức cấp cao). Có lẽ gương mặt quen thuộc của vị nọ là liều thuốc giải rượu cực mạnh, khiến ông C tỉnh hẳn rượu. Sau đó ký vào biên bản và rời khỏi máy bay”!

Và câu “mày có biết bố mày là ai không?” đã trở nên phổ biến, đến mức đạo diễn bộ phim truyền hình “Người phán xử” đã “nhét” vào mồm nhân vật Hải (diễn viên Việt Anh thủ vai). Và tần suất “văng” ra câu này của nhân vật Hải tương đối… đậm đặc ở nhiều cảnh trong bộ phim. Trong thời đại 4.0 và bùng nổ của internet hiện nay, mọi thứ hay dở (chỉ cần xảy ra vài phút), tức khắc sẽ được đẩy lên mạng xã hội.

Cái hữu xạ tự nhiên hương thì không nói làm gì, nhưng những thứ thô tục, bậy bạ thì lan nhanh như điện. Lời hay, ý đẹp không được mấy người học theo, nhưng thói hư, tật xấu lại được người ta bắt chước nhanh lắm.

Mạng xã hội khó kiểm soát là một chuyện, ngay cả những nhà sản suất chương trình (có giấy phép hoạt động), nhiều khi cũng tìm mọi cách lách sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng để tung ra các chương trình tấu hài với nội dung không kém phần nhảm nhí, cốt chỉ để câu view. Đây chính là những “cái loa” tuyên truyền rất tích cực cho những chuyện xàm xí ngoài xã hội…

Theo lối tư duy zích zắc của mình, tôi đồ rằng, “mày biết bố mày là ai” thuộc hệ câu hỏi rất nan giải. Người trả lời được câu này, chắc chỉ mỗi bà cụ thân sinh ra mỗi người. Vậy mà mỗi khi có khúc mắc, va chạm ngoài đời, sao không hỏi câu “mẹ mày là ai” cho nhanh.

Vậy tại sao cứ đưa câu hỏi khó này ra mà “truy” thiên hạ, thế thì có mà bằng đánh đố nhau à? Nhiều trường hợp chửa hỏi xong đã bị đối phương “tẩn” cho sấp mặt… Dẫu khó trả lời, nhưng câu hỏi trên đã và đang trở thành một thứ “trend” trong xã hội… Nhưng thôi, tôi xin tạm dừng câu chuyện này tại đây, kẻo có kẻ nào đó “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”, lại đâm rách chuyện!