“Biết dấn thân vì cộng đồng sẽ là người tốt”

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi đối thoại trực tuyến của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong với thanh niên, T.Ư Đoàn đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; giải đáp thắc mắc; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của Đoàn viên, thanh niên.

Đó là những vấn đề liên quan đến thanh niên tình nguyện vì cộng đồng; hiệu quả thiết thực của các hoạt động tình nguyện; gắn hoạt động tình nguyện với chuyên môn cũng như sự chuyên nghiệp của hoạt động tình nguyện; giải pháp giúp thanh niên có thái độ, trách nhiệm sống tích cực hơn với cộng đồng...
Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng
Băn khoăn trước thực tế hiện nay, bên cạnh các thanh niên nhiệt huyết, tích cực học tập, rèn luyện, xung kích tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, cũng còn một số thanh niên thiếu ý thức, không tuân thủ các quy định của pháp luật, bạn Phạm Thị Hồng Linh, Đoàn khối Các cơ quan TP Đà Nẵng nêu, Đoàn đã có giải pháp nào giúp thanh niên có thái độ, trách nhiệm sống tích cực hơn với với cộng đồng, với bản thân, qua đó góp phần làm giảm thiểu những vấn đề tiêu cực của xã hội.
 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cùng các đoàn viên, thanh niên, sinh viên tại buổi đối thoại.
Chung một mối quan tâm, nhóm đoàn viên Phan Nguyễn Lam Giang, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, bên cạnh những lợi ích internet, mạng xã hội mang lại, cũng có những mặt tiêu cực đi kèm như tạo nên trào lưu sống ảo; dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch, xấu, độc,… từ đó xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật. Để nâng cao kỹ năng tham gia mạng xã hội an toàn, lành mạnh cho thanh niên, T.Ư Đoàn sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới.
Hiệu quả cụ thể của tình nguyện có tính thuyết phục cao
Liên quan đến nội dung, giải pháp giúp thanh niên có thái độ, trách nhiệm sống tích cực hơn với cộng đồng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, việc tham gia tình nguyện là của các bạn muốn cống hiến, chia sẻ. Còn biểu hiện thiếu ý thức chấp hành pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa là hiện trạng chung. Đây là hiện tượng cần tăng cường giải pháp tuyên truyền để định hướng các bạn điều chỉnh thói quen tốt hơn. “Xã hội cũng rất quan tâm biểu hiện các bạn trẻ trong quá trình phát triển trưởng thành. Làm sao để các bạn trẻ có lối sống văn minh nơi công cộng, đặc biệt là tuân thủ pháp luật. Có nhiều giải pháp, trong đó chính cộng đồng, bạn bè xung quanh nhắc nhở nhau về những biểu hiện chưa đẹp, chưa tốt, để giúp điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức cho bộ phận thanh niên này tốt hơn”- Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nói.
Nhấn mạnh vai trò của tổ chức Đoàn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, trong thời gian qua, các tổ chức đoàn làm nhiều việc: Tuyên truyền ý thức tham gia giao thông, ứng xử văn hóa, thói quen tốt của SV, nhưng chưa đủ. Trong điều kiện đòi hỏi cao hơn thì giải pháp phải hiệu quả hơn. Và quan trọng là các bạn đoàn viên, thanh niên cùng giúp nhau nhận thức hành vi trong chính cộng đồng. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn tin tưởng “Hy vọng, bằng giải pháp của Đoàn, ý thức vào cuộc của sinh viên, thì hành xử của đoàn viên, thanh niên sẽ tốt hơn. Đoàn viên chúng ta sẽ là lực lượng xây dựng văn hóa tốt hơn”.
 Sinh viên chia sẻ tại buổi đối thoại.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, nếu tham gia tình nguyện thường xuyên thì bồi đắp cho mình tinh thần trách nhiệm, tinh thần vì cộng đồng, rèn luyện được nhiều kỹ năng, trở thành người tốt. “Điều bạn đang nghĩ và đang đặt mục tiêu, bạn đang phấn đấu trở thành con người biết chia sẻ, biết dấn thân vì cộng đồng thì sẽ là người tốt”- Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nói.
Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp
Nhìn nhận trước thực tế, những lợi ích internet, mạng xã hội mang lại, cũng có những mặt tiêu cực đi kèm như tạo nên trào lưu sống ảo; dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch, xấu, độc,… từ đó xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong, đây là vấn đề T.Ư Đoàn quan tâm và đang có nhiều giải pháp để triển khai, giúp thanh niên có kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Đây không chỉ là vấn đề quan tâm của tổ chức Đoàn, Hội, mà còn là sự quan tâm chung của xã hội.
Đó là cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”. Qua đó, T.Ư Đoàn mong muốn trang facebook cá nhân ngoài chia sẻ đời sống cá nhân, gia đình, kết nối bạn bè thì các bạn dành thơi gian chia sẻ với nhau về những hành động đẹp, tích cực trong xã hội. Đó có thể là những hành động, mỗi câu chuyện trên giảng đường hay trên đường đến trường, mà giúp bạn thay đổi suy nghĩ, để hành động tích cực. T.Ư Đoàn tin nếu các bạn làm điều này thì 24 triệu thanh niên Việt Nam hiện nay sẽ làm được nhiều điều tích cực trong xã hội.
T.Ư Đoàn quan tâm làm sao để các bạn có diễn đàn tiếp cận những tin tích cực khi hiện giờ thông tin trên mạng xã hội rất khó kiểm chứng, các bạn làm sao có bản lĩnh, tiếp nhận và làm sao để xác minh được. Nếu không ứng xử đúng với thông tin thì vô tình tiếp tay lan truyền tin xấu, tin độc. Còn nếu ứng xử tốt thì bạn đấu tranh, phản biện tại những điều tiêu cực, cũng là góp phần bảo vệ chính bạn bè mình, cộng đồng trên mạng xã hội. Nếu đặt tâm thế đó, thì mỗi người trẻ Việt Nam tham gia mạng xã hội sẽ có hành động tốt hơn.