Trên địa bàn huyện các làng nghề truyền thống làm pháo nổ trước đây như Bình Đà, Cao Viên, Thanh Cao... nay đều đã chuyển đổi sản xuất làm kinh tế một cách hiệu quả. Những người làm pháo trước kia đã chuyển sang thêu ren, buôn bán, chạy chợ để mưu sinh. Nhiều người sẵn vốn cũng mở trang trại nuôi cá sấu, ếch, gia cầm… lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Là địa điểm mà các đối tượng vận chuyển pháo từ Trung Quốc và các tỉnh thường qua lại để chào mời mua bán pháo nổ nên rất dễ vi phạm, nhưng Bình Đà đã nghiêm túc thực hiện việc không làm pháo, không buôn pháo.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho biết, người dân Bình Đà đã ý thức và tuân thủ pháp luật không tham cái lợi trước mắt để tiếp tay cho bọn buôn lậu hoặc trở lại với nghề pháo đã bị cấm. Tuy nghề truyền thống bị mất đi, nhưng vốn năng động trong kinh doanh buôn bán, người dân Bình Đà đã tự tạo cho mình hàng trăm nghề khác nhau, nhiều gia đình đi buôn cây cảnh, bán gà cho nội thành, làm lò giết mổ gia cầm... cuộc sống của người dân đã khá. Tâm lý nhân dân không còn nơm nớp lo sợ người thân nguy hiểm bị thương vong vì pháo nữa. Đại diện Phòng Giáo dục huyện Thanh Oai cho biết: Nghề làm pháo ví như "cưỡi trên lưng hổ". Trước đây, sau mỗi dịp nghỉ Tết, nhiều học sinh phải nghỉ học vì bị tai nạn pháo nổ do phụ giúp gia đình làm pháo. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục huyện Thanh Oai hướng dẫn các trường học trên địa bàn huyện yêu cầu học sinh viết cam kết không đốt pháo; đồng thời thông qua các em học sinh tuyên truyền cho gia đình không làm pháo. Nhà trường sẽ đánh gíá hạnh kiểm học sinh qua việc tuyên truyền không sản xuất, tàng trữ, đốt pháo nổ.
Theo Đại tá Nguyễn Thế Uynh, Trưởng CA huyện Thanh Oai, trước nguy cơ tiềm ẩn vi phạm về pháo vẫn còn hiện hữu, Công an huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 406/TTg của Chính phủ qua hệ thống truyền thanh các xã và bằng băng rôn, áp phích. Tại 3 xã trọng điểm là Bình Minh, Cao Viên và Thanh Cao vốn có 90% các hộ dân trước đây làm nghề sản xuất pháo cổ truyền, Công an huyện đã thành lập các tổ công tác phối hợp với lực lượng công an các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn để tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không vi phạm về pháo. Ngoài 3 xã trọng điểm về pháo, Công an huyện Thanh Oai cũng xác định 3 xã Cao Dương, Phương Trung, Kim Thư có nhiều người dân thường xuyên đi buôn bán đường biên để nhắc nhở họ cam kết không hoạt động kinh doanh, vận chuyển pháo trái phép, không nhận đơn đặt hàng về pháo bông, pháo thăng thiên... để từ đó để có biện pháp phòng ngừa, kịp thời xử lý vi phạm. Được xác định là địa bàn trọng điểm về pháo nên Công an huyện Thanh Oai chủ động thành lập các tổ công tác liên xã phối hợp với công an xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương rà soát 21 xã, thị trấn không để xảy ra tình trạng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt các loại pháo. "Nếu để xảy ra tình trạng nổ pháo, mua bán pháo... trên địa bàn thôn, xã nào thì căn cứ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, người đứng đầu chính quyền nơi ấy sẽ phải chịu trách nhiệm" - Đại tá Nguyễn Thế Uynh cho biết thêm.