Bình Định: Lũ lớn khiến gần 20.000 nhà dân bị ngập, hơn 66.000 học sinh nghỉ học

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước lũ lên nhanh từ tối 29/11 đã nhấn chìm nhiều địa phương của tỉnh Bình Định trong biển nước. Hàng trăm hộ dân vùng ngập sâu phải sơ tán đến nơi an toàn.

Ngày 30/11, sau 2 ngày liên tiếp mưa to, hầu hết các địa phương trong tỉnh Bình Định đều xuất hiện lũ, gây ngập lụt, sạt lở đường giao thông ở nhiều nơi.
Đường giao thông bị ngập sâu trong nước.
Tại TP Quy Nhơn, đến sáng 30/11, nước lũ gây ngập, chia cắt hầu hết các khu dân cư ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và nhiều khu vực ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, xã Phước Mỹ...
Theo người dân, bắt đầu từ tối 29/11, nước lũ lên nhanh ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, nhiều gia đình không kịp sơ tán đồ đạc, vật dụng nên bị hư hỏng.
Tuyến QL1A qua địa bàn phường Trần Quang Diệu và đường Hùng Vương qua địa bàn các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú bị ngập sâu từ 0,4m - 0,6m, các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn.
Huyện Tuy Phước nằm ở cuối nguồn sông Hà Thanh và sông Kôn nên bị ngập nặng. Hàng ngàn nhà dân ở các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước An, Phước Thành và 2 thị trấn Tuy Phước, Diêu Trì đã bị ngập nước, nhiều khu dân cư bị cô lập.
 Chính quyền sử dụng ghe, xuồng để tiếp cận vùng ngập sâu.
Chính quyền địa phương phải sử dụng ghe, xuồng tiếp cận các khu vực bị cô lập để kiểm tra, triển khai phương án di dời dân đến nơi an toàn nếu nước lũ tiếp tục dâng cao.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, thống kê ban đầu đã xác định có khoảng 20.000 nhà dân bị ngập nước. Trong đó, huyện Tuy Phước có 10.799 nhà, huyện Phù Cát có 1.568 nhà dân bị ngập, thị xã An Nhơn có 2.712 nhà, TP Quy Nhơn có 1.330 nhà bị ngập nước.
 Nhà dân bị ngập sâu do mưa, lũ
Từ tối 29 đến trưa 30/11, chính quyền các địa phương trong tỉnh Bình Định đã sơ tán gần 500 hộ dân để đảm bảo an toàn trong mưa, lũ. Trong đó, TP Quy Nhơn di dời 254 hộ/683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa.
Ngoài ra, mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều vị trí đường giao thông, kênh mương, làm hư hỏng hoa màu, tài sản của người dân ở tỉnh Bình Định.
Sáng 30/11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục tại các địa phương trong tỉnh.
 Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế tại địa bàn.
Tại huyện Tuy Phước, ông Nguyễn Phi Long -Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đi ca nô vào thực tế một số vùng ngập lụt sâu, bị chia cắt.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Tuy Phước trước mắt phải kịp thời thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mưa lũ. Đặc biệt, phải tổ chức chốt chặn, lập biển cảnh báo tại những tuyến đường bị ngập lụt để người dân qua lại an toàn, nếu ngập sâu thì không được đi qua. Đồng thời, UBND huyện Tuy Phước và các xã phải kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men đảm bảo phòng, chống dịch khi sơ tán dân ở các vùng ngập lụt sâu, bị chia cắt...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, đến chiều 30/11, mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, khoảng 66.000 học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học.