Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: 150 doanh nghiệp "3 tại chỗ" xin dừng hoạt động

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nhiệp này đã có văn bản xin tạm dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ” vì không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thông tin này ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương xác nhận vào chiều 29/7.

Theo ông Mai Hùng Dũng, hiện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục cần thiết để dừng hoạt động theo đúng quy định và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Do thiếu hụt nguồn cung thực phẩm, nguyên liệu và tâm lý người lao động thiếu ổn định... nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã xin ngừng hoạt động. (Hình minh họa).

Được biết, ngoài lý do nêu trên, thì công tác hậu cần, cung ứng thực phẩm không đảm bảo, thiếu hụt nguyên vật liệu, công nhân hoang mang, không tập trung làm việc khi biết tin, gần đây, tại nhiều doanh nghiệp "3 tại chỗ" khác đã xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng là một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động sản xuất.

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp không bảo đảm “3 tại chỗ” phải dừng hoạt động nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương cho biết, doanh nghiệp không bảo đảm “3 tại chỗ” muốn dừng hoạt động phải thực hiện test nhanh Covid-19 cho người lao động và có kết quả âm tính, người lao động mới được rời nhà máy.

"Những lao động ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ, với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và phải bảo đảm thực hiện cách ly y tế tại địa phương theo quy định” - ông Nguyễn Hoàng Thao nói.

Với doanh nghiệp có nền tảng ổn định và sự chuẩn bị từ trước, việc triển khai phương án ''3 tại chỗ'' ổn định.
Được biết, hiện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và chính quyền địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc ngừng tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" gửi các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục nhằm giúp người lao động trở về nơi cư trú được thuận lợi.

Điều chỉnh phương châm "1 cung đường, 2 điểm đến"

Theo số liệu của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh Bình Dương đã có 3.700 doanh nghiệp với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo phương châm "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".

Mới đây, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện tại Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt có 248/300 công nhân được đăng ký làm việc theo hình thức "3 tại chỗ" nhiễm SARS-CoV-2. Doanh nghiệp ngay sau đó đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động. Công ty Estec Vina, đóng tại KCN VSIP I, TP Thuận An có 136/1.700 lao động dương tính với SAR-CoV-2. Doanh nghiệp cũng đã bị phong tỏa. Ngoài 2 doanh nghiệp nêu trên, Bình Dương còn có 17 doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" khác có các ca nhiễm SAR-CoV-2, buộc phải ngừng hoạt động sản xuất. 

Trước thực trạng trên, tại cuộc gặp mặt các trưởng đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, cần có sự điều chỉnh phương châm "1 cung đường, 2 điểm đến" cho phù hợp với tình hình thực tế của Bình Dương.

"Phương châm "1 cung đường, 2 điểm đến", được hiểu là từ nơi ở đến nơi làm việc. Nhưng thực tế cho thấy, nơi ở của người lao động là các khu nhà trọ tập trung đông người. Việc đi lại như thế, có thể sẽ là nguyên nhân đưa mầm bệnh từ ngoài vào nơi làm việc và ngược lại, sẽ đưa mầm bệnh từ nơi làm việc ra bên ngoài, dẫn đến việc kiểm soát dịch sẽ trở nên khó khăn hơn" - ông Nguyễn Hoàng Thao nói.

Ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng, tốt nhất là chỉ nên có một điểm đến. Theo đó, người lao động sau khi đến nơi làm việc sẽ ở lại công ty, không trở về nơi ở nữa (tương tự hình thức "3 tại chỗ" - NV). "Tới đây, phương châm "2 điểm đến" sẽ được điều chỉnh. Đến nhà máy làm việc hoặc đến khu điều trị" - ông Thao nhấn mạnh.