Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương: Khu dân cư Thế kỷ 21 “treo” 14 năm, người dân tiếp tục chờ...

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một, khu đất rộng khoảng 24ha đang rơi vào tình trạng quy hoạch “treo” suốt 14 năm, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây sống lay lắt trong những ngôi nhà xập xệ, đi không được ở cũng chẳng xong...

Sau 14 năm dự án vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Lâm Thiện.
Sau 14 năm dự án vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Lâm Thiện.

Ngày 26/12/2008, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 4158/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 do Công ty TNHH Xây dựng-Đầu tư-Kinh doanh địa ốc Tân Vũ Minh (gọi tắt là Công ty Tân Vũ Minh) làm chủ đầu tư, sau đó, dự án được triển khai dang dở rồi tạm ngưng. Năm 2015, Công ty Tân Vũ Minh đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.

Đến ngày 26/12/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3577/QĐ-UBND thu hồi dự án từ Công ty Tân Vũ Minh, đồng thời, giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, để chuyển sang thực hiện dự án Công viên Phú Cường trong giai đoạn 2017-2019.

Khu nhà “ổ chuột” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.
Khu nhà “ổ chuột” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.

Thời điểm đó, theo UBND tỉnh Bình Dương, việc chuyển sang thực hiện dự án Công viên Phú Cường do Nhà nước đầu tư là để phục vụ cộng đồng, không vì mục đích kinh doanh, đồng thời, cũng là nhằm giải quyết sớm những tồn tại mà dự án cũ để lại và góp phần chỉnh trang đô thị TP Thủ Dầu Một.

Tính từ lúc Công ty Tân Vũ Minh nhận dự án (năm 2008), đến lúc UBND tỉnh thu hồi và đổi tên thành dự án Công viên Phú Cường (năm 2016), đến nay (năm 2022) đã trải qua 14 năm với "hai đời" chủ đầu tư, nhưng dự án vẫn “án binh bất động” trong sự đợi chờ mòn mỏi của hàng trăm hộ dân.

Nhà của một số hộ dân “mắc kẹt” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.
Nhà của một số hộ dân “mắc kẹt” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.

Tài nguyên đất đang bị lãng phí, tỉnh không có công trình xây dựng, đô thị không được chỉnh trang... Đặc biệt, người dân không được "giải phóng" khỏi cảnh quy hoạch “treo”, cuộc sống khó khăn trăm bề...

Nhà cửa xuống cấp, ẩm thấp không được sửa chữa, nâng cấp, đất không được phép chuyển nhượng, cầm cố vay vốn làm ăn cũng không xong, một số hộ dân đã giao đất theo chủ trương chung của tỉnh để nhận nền tái định cư nhưng mãi nền tái định cư vẫn chưa thấy đâu, số đã nhận cũng không được xây cất, đành ra ở trọ cả chục năm nay...

Trong khi đó, chỉ cách nơi sinh sống “tồi tàn” của bà con ở dự án “treo” vài trăm mét là phố xá hoa lệ, hai cảnh sống đối lập ngay giữa trung tâm TP Thủ Dầu Một.

Bà Lê Thị Thiên Hương, người có đất trong dự án đã bàn giao đất, hoán đổi nền tái định cư, nền tái định cư hiện chưa được phép xây dựng, gia đình bà Hương đành đi thuê nhà trọ. Ảnh: Lâm Thiện.
Bà Lê Thị Thiên Hương, người có đất trong dự án đã bàn giao đất, hoán đổi nền tái định cư, nền tái định cư hiện chưa được phép xây dựng, gia đình bà Hương đành đi thuê nhà trọ. Ảnh: Lâm Thiện.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Lê Thị Thiên Hương - một người dân có nhà trong khu vực quy hoạch "treo" cho biết, gia đình bà có đất nằm trong phạm vi dự án, được hoán đổi nền tái định cư, nhưng đã hơn chục năm nay, chính quyền không cho xây nhà, hiện gia đình bà đang phải đi thuê nhà trọ. "Giá thuê nhà trọ cũng 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, gia đình chúng tôi mong muốn chính quyền giải quyết nhanh các thủ tục để có thể được xây cất nhà, nhà tạm cũng được, không an cư lấy đâu lạc nghiệp...” - bà Lê Thị Thiên Hương tâm sự.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Đạo, một người có đất bị giải tỏa, đã bàn giao đất cho dự án để nhận nền tái định cư theo chủ trương chung, nhưng chờ mãi chưa được nhận. “Đã mười mấy năm nhưng nền tái định cư vẫn chưa được nhận, thời gian cũng đã hết ¼ đời người, tuổi thanh xuân, thời gian an cư lạc nghiệp của chúng tôi nằm trong khoảng thời gian này, nhưng vì nơi ăn chốn ở của gia đình, nếu có mái nhà riêng, chúng tôi chỉ cần lo lao động để có chi phí sinh hoạt nhưng nay lại gánh thêm chi phí thuê nhà, tuổi ngày càng lớn, chúng tôi còn sức đâu để lao động” - ông Nguyễn Xuân Đạo trình bày.

Căn nhà “xưa” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.
Căn nhà “xưa” trong Khu dân cư Thế kỷ 21. Ảnh: Lâm Thiện.

Với mong muốn biết về số phận của dự án trong thời gian tới, phóng viên chúng tôi đã liên hệ với Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Trần Sĩ Nam. Ông Trần Sĩ Nam cho biết: “Vì dự án tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư nên hiện giờ ông cũng không biết được thời gian triển khai...”.

Ông Lê Quang Vinh trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 . Ảnh: Lâm Thiện.
Ông Lê Quang Vinh trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 . Ảnh: Lâm Thiện.

Sáng 10/8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2022, sau khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đặt câu hỏi về dự án trên, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: "... Hiện, dự án (Khu dân cư Thế kỷ 21) đã bị thu hồi, Công ty Tân Vũ Minh không còn liên quan nữa, chúng tôi đang đề xuất hướng tổ chức điều chỉnh quy hoạch, sau đó, sẽ tổ chức đấu thầu để  tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch mới, hiện, TP Thủ Dầu Một đang rà soát để tổ chức thực hiện đấu thầu lại". Như vậy, qua thời gian 14 năm sống trong vùng quy hoạch "treo" hàng trăm hộ dân nơi đây nay lại phải tiếp tục chờ đợi...