Bình Dương: Nhanh chóng tổ chức lại công tác điều phối nguồn nhân lực phòng, chống dịch

Duy Chí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/7, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức gặp mặt, cảm ơn, tham vấn ý kiến đại diện các đoàn chi viện, để có hướng điều chỉnh phương án chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả tối ưu.

Phân bổ nguồn lực chưa hợp lý

Theo đại diện các đoàn công tác chi viện cho tỉnh Bình Dương, lực lượng chi viện là những người có năng lực nghiệp vụ, có kiến thức khoa học, có tinh thần xung kích và đặc biệt đã kinh qua thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều ổ dịch Covid-19 lớn ở Đà Nẵng, Hải Dương,... Dù nhiều thành viên trong đoàn tuổi đời còn rất trẻ, nhưng kiến thức, nghiệp vụ và kinh nghiệm chiến đấu với dịch bệnh khá vững vàng. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm này chưa được tỉnh Bình Dương sử dụng một cách có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
Ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống Covid-19.
Theo bác sĩ Phạm Nhật Tuyên - Trưởng đoàn bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, thời gian qua, công tác tiếp nhận, phân bổ nguồn lực của Bình Dương chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng bác sĩ giỏi, chuyên khoa sâu lại được đưa về tăng cường cho những nơi... không cần nhiều chuyên gia, bác sĩ giỏi. Trong khi đó, tại những nơi điều trị Covid-19 đang phát sinh nhiều ca nặng lại thiếu đi những bác sĩ, chuyên gia có chuyên môn sâu.
Đồng quan điểm, bác sĩ Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng chống Covid-19 cũng cho rằng, Bình Dương cần thành lập Trung tâm điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ để tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn nhân lực; đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học, đội ngũ y bác sĩ chuyên sâu, tay nghề cao trong cấp cứu, hồi sức, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, trao đổi sâu hơn về chuyên môn, bác sĩ Việt Hà - trường Đại học Y dược Hà Nội cho rằng, khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 là rất cao. Khi xuất hiện triệu chứng thì diễn biến rất nhanh. Nếu không được hồi sức, hỗ trợ kịp thời, nguy cơ tử vong là rất lớn. Vì vậy, việc Bình Dương quá chú trọng vào việc xây dựng, vận hành các bệnh viện dã chiến với số giường bệnh lớn, trong khi điều trị Covid-19 lại rất cần bác sĩ hồi sức, họng ô xy, máy thở, chống nhiễm khuẩn... thì lại thiếu hoặc đang đấu thầu mua sắm là một bất cập.
Tuy vậy, theo bác sĩ Việt Hà, việc ngành y tế Bình Dương đã hình thành 3 tầng điều trị Covid-19 với 3 nhóm biểu hiện rõ nét là: Tầng 1 F0 không có triệu chứng; tầng 2 là F0 có triệu chứng và tầng 3 F0 diễn biến nặng cũng như vậy quy mô bệnh viện điều trị Covid từ 100 đến 500 giường là hợp lý. Tuy nhiên, bác sĩ Việt Hà lưu ý, mỗi bệnh viện dã chiến hoạt động hiệu quả phải có đủ êkip điều trị gồm: Cấp cứu, hồi sức, chống nhiễm khuẩn, kỹ thuật cùng với e-kip hỗ trợ, vận chuyển.
Bác sĩ Việt Hà - trường Đại học Y Dược Hà Nội.
Bác sĩ là người quyết định trong điều trị
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm - Trưởng Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để hạn chế lây lan, nâng cao hiệu quả điều trị cần nhanh chóng phân loại F0 khỏe mạnh, thu dung và điều trị ngay tại chỗ.
"Tăng cường xét nghiệm, bóc tách F0 khỏe mạnh để tránh lây lan vì Covid-19 có tốc độ lây lan rất nhanh và âm thầm. Hà Tĩnh chỉ có 2 người F0 về quê đã làm phát sinh ổ dịch lây lan cho 128 người khác - Đó là một bài học mà Bình Dương cần rút kinh nghiệm" - ông Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, với những trường hợp F0 có triệu chứng, phải nhanh chóng chuyển viện ở cự ly gần, cho thở oxy để phòng trở nặng. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng, trước khi có quyết định chuyển viện để tránh gây áp lực cho tuyến trên.
"Phân tích số liệu ca bệnh hiện nay với 13.360 ca F0 khỏe mạnh; 12.000 ca có triệu chứng; 200 ca thở máy; 800 ca thở oxy...thì việc phân bổ, tổ chức theo mô hình F0 3 cấp là hợp lý. Hãy để bác sĩ là người quyết định trong điều trị” - bác sĩ Nguyễn Lương Tâm chốt lại.

Về công tác xét nghiệm, bóc tách F1, F0 ra khỏi cộng đồng, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương Trần Quang Cảnh chia sẻ: Khoa xét nghiệm của Trường có bề dày kinh nghiệm trên 45 năm và đã kinh qua thực tế phòng chống dịch Covid-19 tại Hải Dương. Đoàn chi viện có lực lượng kỹ thuật viên xét nghiệm hùng hậu, có thể kết nối, hợp tác hoặc tác nghiệp độc lập trên mọi lĩnh vực.
"Tới đây chúng ta cần có sự chuẩn bị, phối hợp trước một cách chặt chẽ, để phát huy tốt năng lực xét nghiệm, sớm bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch tại địa phương", ông Trần Quang Cảnh bày tỏ.

"Việc cô lập từng khu vực, từng vùng với mức độ nặng, nhẹ, an toàn tương đương với các vùng màu Đỏ - Vàng - Xanh để thực hiện xét nghiệm, sàng lọc, bóc tách Covid-19 ra khỏi cộng đồng là cần thiết.  Theo từng cấp độ, vùng Xanh thì khóa chặt để bảo đảm an toàn, vùng Đỏ thì thực hiện dồn ép Covid-19 vào đường nhỏ để từng bước giảm cấp độ... Việc sàng lọc được kết hợp với phát động tiêm vaccine cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên" - Bác sĩ Dương Chí Nam - Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt Bộ Y tế hỗ trợ Bình Dương Phòng Chống dịch Covid-19.


"Tỉnh Bình Dương rất trân trọng, đón nhận tình cảm, sự hỗ trợ từ Trung ương cũng như từ các bộ ban ngành, các tỉnh thành bạn. Tiếp nhận những góp ý chân thành từ đại diện các đoàn công tác, Bình Dương sẽ nhanh chóng tổ chức lại công tác điều phối nguồn nhân lực, phát huy tính khoa học, tính tổ chức, tính dự báo... nhằm tối ưu hóa hệ thống, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống dịch..." - ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Thường Trực Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Dương.