Bình Dương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân về y tế và thực phẩm thiết yếu

DUY CHÍ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện trách nhiệm “Không để người dân nào phải thiếu, đói”, tỉnh Bình Dương đã công khai số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 từ tỉnh đến các xã phường, kịp thời hỗ trợ người dân có nhu cầu về y tế, lương thực thực phẩm.

Cùng với việc triển khai đem hàng hóa, thực phẩm đến các phường thuộc địa bàn TP Thuận An, Dĩ An, TX Tân Uyên để kịp thời hỗ trợ người dân đang "khóa chặt" trong nhà thực hiện phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 từ cấp tỉnh đế cơ sở gồm: Trung tâm thông tin tác chiến, cấp cứu, tư vấn y tế đến Trung tâm chỉ huy các huyện thị, thành phố trực thuộc tỉnh; UBND cấp xã phường, trạm y tế...giúp người dân tại chỗ liên hệ trực tiếp để được tư vấn y tế, cấp cứu, cứu trợ...
 Đường dây nóng hỗ trợ phòng chống Covid-19, cứu trợ nhân dân trên bàn tỉnh Bình Dương
Báo cáo của phòng Kinh tế, TP Thuận An cho biết, đến sáng 26/8 TP đã triển khai đưa 215,45 tấn gạo, 617 tấn rau củ, 50 tấn cá, 88.216 gói mì, 11.027 chai dầu ăn, 300 thùng cá hộp... đến các phường An Phú, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Thuận Giao để cấp phát cho dân sử dụng.
Song song đó, nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà, Sở Y tế Bình Dương đã ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng các trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh.
 Chủ tịch UBND TP Thuận An Nguyễn Thanh Tâm (áo trắng thứ 2 từ phải vào) tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các khu dân cư hỗ trợ nhân dân ở nhà chống dịch
Trước mắt xây dựng 11 trạm y tế lưu động tại 11 phường đang thực hiện "khóa chặt" của TP Thuận An (gồm Thuận Giao, Bình Hòa, An Phú, Bình Chuẩn) và 7 phường đang thực hiện "khóa chặt" của TX Tân Uyên (gồm Khánh Bình, Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp, Uyên Hưng, Hội Nghĩa).
Các trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện; phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Các trạm y tế được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Mỗi trạm y tế lưu động do 1 bác sĩ hoặc y sĩ đa khoa phụ trách, có 5-7 người, trong đó có 1-2 y, bác sĩ, còn lại là điều dưỡng và cán bộ y tế khác.
Nhiệm vụ của trạm y tế lưu động là quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cộng đồng như hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng đến các cơ sở y tế...
Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, quyết không để người dân nào bị thiếu đói, được quan tâm chăm sóc y tế, phòng chống dịch...Tỉnh Bình Dương sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn bức bách này.