Giá lợn cao là do các hộ giết mổ nhỏ lẻ?
Khảo sát thị trường cho thấy, giá 1kg thịt lợn trung bình hiện đã lên tới 70.000 đồng. Cá biệt một số nơi, giá tăng cao tới gần 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, giá lợn tăng cao chỉ là cá biệt, không phải là giá chủ lưu.
Về nguyên nhân khiến giá thịt lợn tại một số vùng tăng cao, theo đại diện Cục Chăn nuôi là do một bộ phận hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện đang khan hiếm nguồn cung về lợn. Do đó, khi có lợn, sẽ giết mổ và bán ra thị trường với giá rất cao. Đại diện Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, giá thịt lợn tăng cao một phần đến từ vấn đề lưu thông trên thị trường. Thịt lợn từ các công ty, trang trại chăn nuôi lớn được bán cho các chủ giết mổ, rồi qua thương lái, đến tay người tiêu dùng. Do qua nhiều khâu trung gian nên giá thịt lợn bị tăng cao.
Sau hơn 9 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã khiến trên 5,8 triệu con lợn (tương ứng khoảng 330.000 tấn) bị tiêu hủy, gây thiếu hụt 8,5% tổng khối lượng lợn hơi cả nước. Hiện, đã có 10 tỉnh, TP có trên 85% tổng số xã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Riêng hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang đã cơ bản hết dịch. |
Trước nhu cầu lớn về thịt lợn, từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 20.000 tấn thịt lợn đông lạnh để phục vụ người dân. Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với khoảng 3,8 triệu tấn thịt lợn cung ứng cho thị trường. Chính vì vậy, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, về cơ bản, giá thịt lợn vẫn là do người Việt… tự tạo ra, không có tác động bên ngoài.
Doanh nghiệp đã có lãi, nhưng giá… vẫn sẽ tăng
Theo Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Kiều Đình Thép, chi phí chăn nuôi tăng khiến giá thịt lợn bán ra thị trường thời gian qua của đơn vị cũng tăng. Tuy nhiên, giá bán của C.P luôn thấp hơn thị trường. Dù nhấn mạnh với mức giá hiện nay, DN đã có lãi, nhưng ông Thép cũng nhận định, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm… vẫn sẽ tăng.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Mavin cho biết, đơn vị phải tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất, bảo đảm vẫn có lãi để duy trì hoạt động. Đại diện tập đoàn này cũng dự báo, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 vẫn sẽ tăng, dù không quá cao.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, một trong những giải pháp để kiểm soát việc tăng giá thịt lợn là hỗ trợ các hộ giết mổ nhỏ lẻ tiếp cận với nguồn cung thịt lợn. “Thực tế hiện nay, số lượng lợn còn lại chủ yếu nằm ở các công ty, trang trại lớn. Do đó, rất cần có sự chung tay của các DN trong việc cung ứng nguồn thịt lợn cho các hộ giết mổ…” – ông Dương nói.
Bên cạnh đó, công tác tái đàn cần được chú trọng để bảo đảm nguồn cung thịt lợn về lâu dài. “Địa phương không được né tránh, e ngại việc tái đàn. Phải có trách nhiệm hỗ trợ người chăn nuôi …” – ông Dương đề nghị, đồng thời nhấn mạnh: Đừng mong hết dịch mới tái đàn, bởi Việt Nam sẽ còn phải chung sống với dịch tả lợn một thời gian dài.
Thực tế hiện nay, đàn giống ông bà, cụ kỵ khoảng 109.000 con phục vụ tái đàn cũng nằm chủ yếu trong các công ty, trang trại chăn nuôi lớn. Do đó, để công tác tái đàn lợn đạt hiệu quả cao, vai trò liên kết, hỗ trợ của các DN là hết sức quan trọng. Đối với công tác tái đàn, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long khuyến cáo, các cơ sở chỉ nên nuôi 10% quy mô. Sau một tháng theo dõi lâm sàng, giám sát an toàn thì mới mở rộng hết công năng chuồng trại. Theo ông Long, Bộ NN&PTNT khuyến khích tái đàn trên cơ sở bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học, không chủ trương tăng đàn, tái đàn tùy tiện, vô lối.