Chính quyền xã lúng túng trước nạn “đất tặc”
Dư luận Bình Phước phản ánh, tại các địa phương như xã Thanh Lương (TX Bình Long); Minh Tâm (huyện Hớn Quản); Tân Phước (huyện Đồng Phú) đang xảy nạn khai thác đất trái phép khá rầm rộ. Đất sét, đất sỏi phún bị khai thác lậu chở đi tiêu thụ khắp nơi tại các công trình, lò gạch. Thậm chí, mỗi ngày một khối lượng lớn đất chở ra ngoài tỉnh. Mỗi xe đất khai thác trót lọt thu lợi hàng triệu đồng.
Ngày 29/8, trả lời phóng viên về một điểm khai thác đất trái phép tại ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX Bình Long), ông Võ Văn Quốc - Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi nhận phản ánh ông đã chỉ đạo lực lượng kiểm tra vài lần. Tại hiện trường, đất có dấu hiệu bị đào bới, chuyên chở đi nơi khác, nhưng thời điểm kiểm tra không thấy xe cơ giới hoạt động.
“Có lẽ hoạt động khai thác đất tại đây diễn ra vào ban đêm tới mờ sáng, hoặc những người khai thác đất lậu có tổ chức người “đề lô” tại ngã ba, ngã tư, mỗi khi lực lượng kiểm tra thì báo hiệu tạm ngưng, lực lượng rút đi thì lại tiếp tục khai thác” – ông Quốc cho biết.
Trước đó, tương tự một điểm khai thác đất trái phép tại ấp Cầu Rạt (xã Tân Phước, huyện Đồng Phú). Sau khi tiếp nhận thông thông tin phản ánh từ người dân, phóng viên đã có mặt và ghi nhận.
Khu đất rộng hàng héc ta có dấu hiệu khai thác nham nhở trong thời gian dài. Phần đất bị khai thác, chuyên chở đi nơi khác ước tính hàng nghìn mét khối.
Sáng 18/8, tại hiện trường phóng viên bắt gặp 1 xe cuốc cỡ lớn cùng 2 xe ben biển kiểm soát 93C 06482 và 93C 08549 đang hoạt động. Đất liên tục được móc lên và chuyên chở khỏi hiện trường. Con đường bê tông rạn nứt, xuống cấp vẫn “oằn mình” chịu tải những chiếc xe ben nặng hàng chục tấn “dày xéo”.
Vụ việc lập tức được phóng viên phản ánh lên lãnh đạo xã Tân Phước. Khoảng 15 phút sau, lực lượng Công an xã này có mặt. Nhưng, trước đó vài phút người và phương tiện đã kịp rút đi. Chính quyền địa phương lại một lần “việt vị”. Những hình ảnh kịp ghi lại đã được phóng viên chuyển tới lực lượng Công an với hy vọng đây có thể là căn cứ xử lý vi phạm.
Vài ngày sau qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, xã đang ráo riết kiểm tra sau khi phóng viên phản ánh, hiện hoạt động khai thác đất tại đây không còn diễn ra.
Trưởng phòng TN&MT thị xã Bình Long nói gì?
Quay lại với điểm khai thác đất trái phép tại ấp Thanh An, xã Thanh Lương. Qua liên lạc, ông Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng TN&MT thị xã Bình Long cho biết, ông đã nghe lãnh đạo xã Thanh Lương nói về vụ việc (khai thác đất trái phép trên địa bàn xã - PV) và ông cũng đang theo dõi.
“Quan điểm của tôi, nếu xã, phường phát hiện khai thác đất lậu nói riêng, khoáng sản lậu nói chung xảy ra trên địa bàn thì cứ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, hoặc báo cáo, tham mưu lên cấp trên. Hoạt động khai thác đất nếu không được sự cấp phép của cơ quan chức năng tức là khai thác lậu.” – Trưởng phòng TN&MT thị xã Bình Long cho biết.
Trong thời gian vài ngày gần đây, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã nhận nhiều phản ánh về nạn khai thác đất lậu tại Bình Phước.
Sáng 30/8, phóng viên tiếp tục nhận phản ánh từ người dân về điểm khai đất trái phép khác gần khu vực cầu Sài Gòn (hướng về Tống Lê Chân) thuộc xã Minh Tâm (huyện Hớn Quản). Theo người dân, địa điểm vừa tổ chức khai thác hai ngày nay nhưng điều đáng nói là đã xuất hiện lũ lượt xe đầu kéo hạng nặng 4 giò đến 6 giò, mỗi chiếc hàng chục tấn tấp lập chuyên chở đất đi nơi khác tiêu thụ.
Vụ việc sau đó được phóng viên phản ánh lên UBND huyện Hớn Quản. Trong chiều cùng ngày, ông Hoàng Ngọc Giang - Chủ tịch xã Minh Tâm cho biết đã tiếp nhận thông tin từ huyện, sau đó đã cho kiểm tra và có báo cáo về huyện.
Hoạt động khai thác đất lậu ngoài làm thất thoát nguồn tài - nguyên khoáng sản vốn là nguồn lực để phát triển đất nước, còn trực tiếp tàn phá, hủy hoại môi trường; hủy hoại đất, nguy cơ gân sạt lở đất khi mùa mưa đến; ảnh hưởng sinh kế các hộ dân lân cận; tạo ao hồ, nguy cơ gây đuối nước trẻ em; làm xuống cấp đường giao thông nông thôn và nhiều hệ lụy khác.
Với sự hỗ trợ cung cấp thông tin của người dân, không khó để địa phương phát hiện điểm khai thác đất trái phép. Thế nhưng, dư luận cho rằng sau khi phát hiện chính quyền địa phương nơi đây còn lúng túng, chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, từ đó hoạt động này liên tục tái diễn. Phải chăng “đất tặc” đã lờn, hoặc không còn “nể mặt” chính quyền địa phương dẫn đến hoạt động phi pháp này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hay thực sự còn nguyên nhân khác?!