Khai thác “tận diệt”, mất an toàn giao thông
Ngày 25 và 26/4, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị ghi nhận, hàng trăm xe tải lớn, xe đầu kéo, mỗi chiếc có tải trọng hàng chục tấn vào mỏ đá Phú Miêng (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) để chở khoáng sản. Nhưng điều đáng nói, trong đó có hàng chục chiếc chở đầy đất đem đi san lấp công trình nằm ngoài dự án mỏ.
Chưa hết, những “binh đoàn xe” ngày ngày vào mỏ đá Phú Miêng khi trở ra nhiều chiếc còn có dấu hiệu chở quá tải, đất đá vun cao hơn nhiều so với thành xe, bụi bay mịt mù, vô tư đi vào đường cấm tải, có đông dân cư...Dễ gây hư hại đường nông thôn, đặc biệt là gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Ông Đoàn Văn Hậu, người địa phương cho rằng, dù là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước, khi được cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản luôn phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật, đặc biệt là phải luôn có ý thức gìn giữ, vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân... Để cùng “ích nước lợi nhà”, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhiều thế hệ mai sau.
“Suốt thời gian vừa qua, ngoài xe chở đá, tôi con thấy rất nhiều xe chở đất đi ra từ mỏ Phú Miên, tôi đã ngờ ngợ họ khai thác đất "lậu" đem đi bán nhưng không dám khẳng định, nếu là đất "lậu" thì thật đáng lên án. Ngoài ra, toàn xe trọng tải lớn, lại chất cao như núi nên có dấu hiệu quá tải, bụi bay mù trời, đất đá vương vãi, thậm chí có cục to bằng cái ấm đã từng rơi xuống văng trúng người đi đường, rất nguy hiểm”, ông Hậu phản ánh.
Bà Nguyễn Thị Nùng, người dân sống tại mặt tiền đường Sóc Cây Me cho biết: “Xe tải lớn, xe ben, xe đầu kéo có ngày qua đây hàng trăm chiếc chở đầy đất đá, lúc về xe không và cứ thế liên tục. Bốn giờ sáng đã nghe tiếng rít của lốp xe, tiếng gầm rú của động cơ. Khiếp lắm!”
Để rõ hơn vụ việc, phóng viên đã theo sau một lộ trình đường đi mà “binh đoàn” xe tải trọng cho phép từ 15 tấn trở lên chở đất, đá. Chúng tôi ghi nhận: Xe từ mỏ chạy ra đường ĐT 756, rẽ vào ĐT 757, sau đó tiếp tục rẽ vào đường dân sinh khá hẹp Sóc Cây Me (đường chỉ cho phép tải trọng dưới 10 tấn, nhà nước mới nước đầu tư xây dựng chưa lâu) và thoát ra Quốc lộ 13.
Với lộ trình trên, đoàn xe ben, xe đầu kéo rút ngắn được khoảng cách từ mỏ đá đến nơi san lấp vài km và đặc biệt là “né” trạm thu phí nằm trên Quốc lộ 13. Vì lợi ích rút ngắn quãng đường và trốn tiền phí giao thông, “binh đoàn xe” đã ngày ngày “hành quân” bất chấp công trình giao thông đang “oằn mình” chịu đựng.
Phóng viên cũng lấy làm lạ khi con đường tải trọng cho phép 10 tấn, nằm trên địa bàn hai xã Thanh An (huyện Hớn Quản) và xã Thanh Lương (TX Bình Long). UBND xã Thanh Lương lại nằm đối diện con đường. Nhưng việc xe chở quá tải trọng như “hung thần” vẫn ngày đêm vô tư chạy “như chốn không người”... sức khỏe, tính mạng con người luôn bị rình rập.
Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Mặc dù chỉ được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng, nhưng liên tục trong những ngày qua tại mỏ đá Phú Miêng (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đang xảy ra tình trạng khai thác luôn cả tầng đất phủ, chuyên chở đi san lấp công trình ngoài dự án, nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước khẳng định mỏ đá Phú Miêng không được cấp phép khai thác đất. Đồng thời cam đoan sẽ cho kiểm tra và xử lý nếu có sự việc này.
Việc hàng ngày có hàng chục chiếc xe ben, đầu kéo ùn ùn “kéo” tới chở đầy đất tầng phủ ra khỏi khu mỏ đi tiêu thụ trái phép...chứng tỏ chủ doanh nghiệp đang vi phạm trắng trợn luật tài nguyên khoáng sản, làm thất thoát tài nguyên quốc gia. Nếu không muốn nói là đứng trên, thách thức pháp luật, tàn phá, hủy hoại môi trường, tài nguyên đất, nước.
Trước thực trạng mỏ đá Phú Miêng được cấp phép khai thác đá nhưng chủ mỏ đã lợi dụng khai thác luôn đất, làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí.
Xe tải trọng lớn chở khoáng sản có dấu hiệu chở quá tải trọng cho phép xe, cầu và đường, gây mất an toàn giao thông thôn xóm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, của cải, công trình giao thông...của người dân và xã hội.
Báo Kinh tế và Đô thị đề nghị chính quyền địa phương, ngành giao thông vận tải, cảnh sát giao thông, ngành tài nguyên môi trường... nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo, tuần, kiểm tra, xử lý dứt điểm nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, môi trường, công trình giao thông, đặc biệt là tính mạng, sức khỏe người dân.
Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin