Bình quân lương hưu của người làm việc ở khu vực Nhà nước bao nhiêu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khoảng 1,27 triệu người nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có mức hưởng bình quân 6.100.000 đồng/tháng. Tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khu vực Nhà nước là 6.936.000 đồng; của người lao động khối DN, hợp tác xã 6.382.031 đồng, chênh lệch 9%.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có báo cáo tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Về dự báo tình hình thu – chi quỹ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ số người đang hưởng chế độ hưu trí (khi nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định), tại tháng 12/2023 có khoảng 1,27 triệu người, mức hưởng bình quân là 6.100.000 đồng/tháng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có mức bình quân là 6.100.000 đồng/tháng. Ảnh minh họa.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có mức bình quân là 6.100.000 đồng/tháng. Ảnh minh họa.

Dự báo, từ ngày 1/7/2024 tiền lương đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo chính sách tiền lương mới với tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng 54,89% so với năm 2023; đối tượng hưởng hưu trí mới kể từ ngày 1/7/2024 có mức lương hưu theo giả định 2 cách tính (hiện hành và đề xuất); tỷ lệ điều chỉnh lương hưu hàng năm dự kiến là 8% thì dự báo tình hình thu – chi quỹ hưu trí, tử tuất của người tham gia khu vực nhà nước có thay đổi, như sau:

Tổng thu quỹ hưu trí, tử tuất tăng từ 83 nghìn tỷ đồng (năm 2024) đến 162 nghìn tỷ đồng (năm 2050). Tổng chi lương hưu (theo cách tính hiện hành) tăng từ 94 nghìn tỷ đồng (năm 2024) đến 221 nghìn tỷ đồng (năm 2050). Tổng chi lương hưu theo đề xuất (theo cách tính đề xuất) tăng từ 90 nghìn tỷ đồng (năm 2024) đến 219 nghìn tỷ đồng (năm 2050).

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp, đảng, đoàn thể là 6.936.000 đồng; của người lao động thuộc khối DN, hợp tác xã là 6.382.031 đồng, chênh lệch khoảng 9%.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chế độ hưu trí trong chính sách bảo hiểm xã hội đang được thiết kế rất có lợi cho người lao động, với mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Và, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.

Điều này thể hiện, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 23 lần điều chỉnh tăng lương hưu và trong các năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.

Từ ngày 1/7/2023, lương hưu tăng thêm từ 12,5% đến 20,8% trên mức lương hưu, tùy từng nhóm đối tượng. Mức tăng thêm 12,5% áp dụng cho những người đã được điều chỉnh tăng thêm 7,4% lương hưu trong đợt tăng ngày 1/1/2022, theo quy định Nghị định số 108/2021/NĐ-CP. Mức tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu áp dụng cho người chưa được điều chỉnh tăng thêm 7,4% lương hưu trong đợt tăng lương hưu ngày 1/7/2022 theo quy định Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, những người đang hưởng lương hưu, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.