Nhiều chiêu trò
Pháp luật hiện hành không quy định, khống chế cá nhân thành lập bao nhiêu DN và đại diện theo pháp luật bao nhiêu DN trong cùng một thời điểm. Do đó, quy định này đã bị một số đối tượng lợi dụng để làm ăn gian dối, lừa đảo, trục lợi cá nhân.
Liên quan đến vụ việc một cá nhân thành lập 116 DN tại TP Hồ Chí Minh chỉ trong vài tháng, ngày 28/6, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh xác nhận đã chuyển hồ sơ cho Công an TP để xác minh, làm rõ. Các công ty này được thành lập trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 và có địa chỉ đăng ký trải khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức, khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Đối tượng này đã bị cơ quan công an bắt cùng với nhiều đối tượng khác liên quan đến tội "rửa tiền", "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Từ đó, có thể thấy hành vi thành lập nhiều DN là bất thường, vì mục đích "không trong sáng", có dấu hiệu lừa đảo, gian lận.
Mặc dù phát hiện sự việc bất thường nên cơ quan thuế chưa cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử cũng như chưa phát sinh hoạt động kinh doanh nhưng có thể thấy lỗ hổng về mặt pháp lý, về quy trình thành lập DN ở đây là khá lớn.
Tổng cục Thuế cho biết đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn những gian lận về hóa đơn. Theo bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), dấu hiệu bất thường đó là DN chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn khoảng 1 - 2 năm. Các DN trên sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Khi cơ quan thuế nghi ngờ đưa vào thanh tra, kiểm tra thì DN đã làm thủ tục tạm ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, để trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh; cá nhân sinh sống ở địa bàn này hoặc có địa điểm kinh doanh ở địa bàn này nhưng trụ sở chính của DN ở các địa bàn khác nơi sinh sống, kinh doanh…
Nhắc đến công ty “ma” không thể không nhắc đến vụ Vạn Thịnh Phát, hiện vẫn đang là tâm điểm dư luận. Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 DN gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” này được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…
Kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp
Một trong những đề xuất từ các chuyên gia là mỗi năm, một người chỉ được thành lập tối đa 2 - 5 DN. Đặc biệt, cần có quy định cá nhân chỉ được phép thành lập DN mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế của DN cũ không còn hoạt động.
Ngoài ra, cần triển khai các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc đăng ký thành lập DN. Trong đó chú ý đến việc liên thông hệ thống điện tử cá nhân và đăng ký DN để chống gian lận, bổ sung nội dung thông tin đã thành lập bao nhiêu DN đối với người đăng ký kinh doanh.
Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ để tra cứu, xác minh thông tin về địa chỉ, hoạt động kinh doanh, nhân sự đối với những trường hợp thành lập từ 2 DN trở lên, nếu thấy bất thường thì có thể xác minh, điều tra ngay để hạn chế tiêu cực, thiệt hại.
Một chuyên viên của phòng đăng ký kinh doanh cho biết, đăng ký kinh doanh thì chỉ cần nộp đủ các đầu vào thủ tục và điền đủ nội dung đăng ký online. Chỉ cần địa chỉ đăng ký không trùng với địa chỉ vi phạm sẽ được cấp giấy phép kinh doanh bình thường.
Hiện nay nhan nhản các công ty "ma" mượn các nhà dân cho gắn địa chỉ giao dịch của công ty, thực chất nhà dân cho gắn lại không có hoạt động sản xuất gì do đó cần siết chặt lại cấp phép và kiểm tra.
Phía ngành Thuế kiến nghị, cần siết chặt lại quy định thành lập DN mới; kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý DN; cần đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập DN; bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ đăng ký thành lập DN, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của các cá nhân tham gia thành lập và quản lý DN…
Việc cấp phép thành lập DN nên có sự rà soát ngay từ khâu đăng ký, thủ tục có thể chậm một chút nhưng chắc còn hơn "thả gà ra đuổi" - một chuyên gia nói.
Tăng cường công tác hậu kiểm
Văn bản số 4900/VPCP-TH văn phòng Chính phủ thông báo, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, xác minh thông tin, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật có các giải pháp tăng kiểm soát, quản lý việc đăng ký thành lập DN, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập DN nhưng không hoạt động để trốn thuế, lừa đảo.
Theo các chuyên gia, không chỉ kiểm soát chặt khâu đăng ký DN, công tác hậu kiểm quản lý DN sau đăng ký thành lập cũng cần trú trọng. Không ít công ty tự nâng khống vốn điều lệ công ty, hoạt động trốn thuế, hoặc lừa đảo các nhà đầu tư. Điển hình nữa không thể không nhắc đến cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong vụ án lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán để hưởng lợi bất chính hơn 3.621 tỷ đồng đang được Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử những ngày qua.
Bên cạnh việc nâng vốn khống, các DN còn tìm cách “chạy dòng tiền”, làm đẹp số liệu báo cáo tài chính để trục lợi liên quan hoạt động phát hành trái phiếu. Đơn cử như vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Ngoài ra thời gian qua còn xuất hiện hàng loạt công ty đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng lập hàng loạt công ty “ma” làm ăn phi pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi điều tra xử lý.
LS Nguyễn Văn Hoan, Văn phòng Luật sư Đào Nguyễn cho rằng, ngoài cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị có trách nhiệm của cơ quan khác như: Sở KHĐT, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương… trong công tác hậu kiểm sau cấp phép DN.
Như vậy, có thể thấy mỗi ngành, mỗi góc độ giải pháp khác nhau, song, thiết nghĩ việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan là những giải pháp quan trọng để giải quyết triệt để vấn đề nan giải hiện nay.
Có thể thấy mỗi ngành, mỗi góc độ giải pháp khác nhau, song, thiết nghĩ việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan là những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề nan giải hiện nay, góp phần hình thành một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hợp pháp.
Theo Luật DN năm 2020, DN, nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để có thể gia nhập thị trường. Sau khi cấp phép đăng ký thành lập DN thì cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra tính xác thực về thông tin căn cước công dân, điện thoại, địa chỉ của chủ DN và người đại diện theo pháp luật. Với hệ thống dữ liệu quốc gia tập trung về cư dân đang xây dựng thì xử lý việc này không khó.
LS Nguyễn Đức Biên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Mặc dù DN tự khai báo khi đăng ký kinh doanh, nhưng không có nghĩa là DN có thể tự do hoạt động theo ý muốn. Nhà nước đã thiết lập các cơ chế quản lý rất chặt chẽ nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch.
Sự thông thoáng được đề cập ở đây liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và tăng cường quyền tự chủ của DN; đồng thời, đặt ra cơ chế tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Do đó, cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm cần xác định cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện, nội dung là gì, cách làm ra sao, để giám sát và bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của DN.
LS Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI