Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bịt kẽ hở trong quản lý chất cấm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tiến tới triệt tiêu hoàn toàn thì cùng với việc phát triển mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, cần bịt các kẽ hở trong quản lý chất cấm hiện nay.

Đó là đề nghị của các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo ATTP ở các tỉnh phía Bắc” tổ chức tại huyện Thanh Trì ngày 5/4. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức.

Chưa hết mối lo

Có thể nói, sau đợt cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phát động từ tháng 11/2015 - 2/2016, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có dấu hiệu giảm đáng kể. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sau đợt cao điểm, tỷ lệ mẫu dương tính với chất cấm trong thức ăn chăn nuôi chỉ còn 1,3% so với mức 5 - 6% trước đây, tỷ lệ dương tính với chất cấm trong nước tiểu còn 3,9% so với thời gian cao điểm (16 - 25%)… Các chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol và một số rất ít là chất Vàng ô (Auramine).
Kiểm tra chất cấm tại cơ sở giết mổ Vinh Anh, huyện Thường Tín. 	Ảnh: Bình Minh
Kiểm tra chất cấm tại cơ sở giết mổ Vinh Anh, huyện Thường Tín. Ảnh: Bình Minh
Tuy nhiên, qua kiểm tra tại một số địa phương vẫn phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mới đây nhất, tại Thanh Hóa, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra 70 trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn, bò thịt trên địa bàn 12 huyện trọng điểm về chăn nuôi. Trong tổng số 160 mẫu nước tiểu kiểm tra bằng phương pháp test kit thử nhanh có 5 mẫu nước tiểu có kết quả dương tính với chất cấm Salbutamol vượt quá ngưỡng tối đa cho phép.

Hiện nay, trong danh mục các hóa chất cấm của Bộ NN&PTNT có 7 hợp chất thuộc nhóm chất β2-agonist, trong đó Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine được sử dụng phổ biến nhất (trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã cấm sử dụng Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi). Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia, khi ăn phải thịt lợn tồn dư chất cấm, người sử dụng có thể bị ngộ độc. Riêng ngộ độc cấp tính xảy ra khi người sử dụng sản phẩm có chứa hàm lượng cao các β2-agonist với những triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai... Điều đáng nói, một số thương lái lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để pha trộn thuốc tăng trọng vào thức ăn chăn nuôi, sau đó bán cho người chăn nuôi sử dụng. Thậm chí, có lái buôn còn giao thuốc và thức ăn chăn nuôi tận nhà cho những hộ gia đình nuôi lợn nhỏ lẻ.

Siết chặt hành lang pháp lý 
Trong tháng 3/2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với C49, Thanh tra Sở và các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở giết mổ động vật tại Hà Nội và Hải Dương. Kết quả lấy mẫu phân tích chưa phát hiện chất cấm.

Liên quan tới chất cấm trong chăn nuôi, câu chuyện được nhiều người quan tâm nhất là cách quản lý có phần “lệch pha” giữa 2 Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Trong khi Bộ NN&PTNT cấm sử dụng Salbutamol thì Bộ Y tế lại cho phép nhập khẩu dùng trong y học. Nhiều người cho rằng như vậy không khác nào “thả gà ra đuổi”. Theo một báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), trong 2 năm 2014 – 2015, các công ty đã nhập khẩu hơn 9.100kg Salbutamol, trong đó có tới hơn 6.200kg bán ra ngoài không đúng đối tượng, sai mục đích. Sau khi có ý kiến phản hồi của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế đã tạm đình chỉ việc nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, mặt hàng này vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm soát đặc biệt nên vẫn còn khó khăn trong quản lý.

Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Đại Thắng – Giám đốc Công ty CP Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) bày tỏ, hiện nay, tình trạng sử dụng chất cấm trong các nhà sản xuất thức ăn đã kiểm soát được. Tuy nhiên, còn lỗ hổng là đội ngũ chủ trang trại, một số cửa hàng bán thuốc thú y vẫn lén lút sử dụng. Do vậy, toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, thông tin chi tiết về sản phẩm mất an toàn để người tiêu dùng tẩy chay, đồng thời bảo vệ những người chăn nuôi chân chính. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi.

Nhiều địa phương kiến nghị, Bộ Y tế, Bộ Công Thương cần quản lý chặt chẽ nguồn Salbutamol làm thuốc chữa bệnh cho người và nguồn Salbutamol nhập khẩu. Đồng thời, đưa ra quy định cụ thể về cách xử lý các lô gia súc, gia cầm nghi có chất cấm trong khoảng thời gian chờ kết quả phân tích định lượng trong phòng thí nghiệm. Một tin vui là từ ngày 1/7/2016, các quy định về quản lý và biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo Bộ luật Hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn (chết nhiều người) thì mức phạt sẽ cao hơn, nặng nhất là phạt tù 20 năm. Hy vọng, đây sẽ là “liều thuốc mạnh” góp phần chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bịt kẽ hở trong quản lý chất cấm - Ảnh 1Đó là nhận định của ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về giải pháp quản lý chất cấm trong chăn nuôi.
Theo ông, vì sao chúng ta đã kiểm soát gắt gao mà chất cấm vẫn được đưa vào sử dụng trong chăn nuôi?
- Qua kiểm tra ở rất nhiều nơi cho thấy có vai trò của thương lái. Hành vi này đã bị ngăn chặn và hiện nay, các tỉnh, thành đang làm rất quyết liệt thông qua hệ thống tai mắt của Nhân dân và cơ quan quản lý. Phát hiện chất cấm từ lò mổ, rồi truy ra nguồn gốc con lợn ở đâu, ai chở con lợn đó đến lò mổ đều bị xử lý. Bên cạnh đó, còn có tình trạng những người buôn bán dịch vụ thức ăn chăn nuôi cũng vận động người chăn nuôi sử dụng chất cấm. Ngoài ra, một số nơi, người chăn nuôi phải vay tiền của đại lý thức ăn chăn nuôi nên phụ thuộc vào những đối tượng này.
Trách nhiệm lớn là của cơ quan Nhà nước, phải thông tin cho người tiêu dùng biết chỗ nào bán thực phẩm an toàn, chỗ nào thực phẩm “bẩn”. Bên cạnh đó, phải thông tin rộng rãi cho người chăn nuôi cách nhận biết chất cấm để phòng tránh, phát hiện và báo với cơ quan chức năng xử lý.
Vậy, giải pháp ngăn chặn chất cấm hiệu quả là gì, thưa ông?
- Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là bản thân người chăn nuôi phải thấy được trách nhiệm của mình với xã hội, tuân thủ quy định của cơ quan quản lý Nhà nước, không lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi. Thứ hai là triển khai quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thứ ba, như tôi đã nói, là cần tăng cường hoạt động mạnh mẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có kháng sinh, chất cấm.
Hà Nội là địa bàn trọng điểm chăn nuôi của cả nước và cũng là nơi tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm hàng ngày. Theo ông, việc kiểm soát chất cấm tại Hà Nội cần lưu ý vấn đề gì?
- Hiện nay, Hà Nội phải nhập khoảng 50 – 60% thực phẩm từ các tỉnh, thành. Đây là khó khăn trong quản lý của TP. Qua theo dõi, các cơ sở buôn bán thực phẩm của Hà Nội cơ bản được kiểm soát và cũng chưa phát hiện thêm trường hợp trang trại chăn nuôi nào sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, TP phải tăng cường hoạt động của cơ quan quản lý trên cơ sở thực hiện kiểm soát tận gốc. Theo đó, cần ký kết với các tỉnh, thành trong khu vực cung cấp thực phẩm cho Hà Nội để kiểm tra giấy tờ, hóa đơn, truy xuất nguồn gốc. Nếu có hiện tượng vi phạm xảy ra phải thông báo ngay cho cơ quan liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Tú thực hiện