Từ những đại án
Chưa khi nào ở Việt Nam, hàng chục vụ đại án liên quan đến sai phạm về đấu thầu dự án có sử dụng đất gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước được đưa ra ánh sáng nhiều như thời gian gần đây.
Đáng chú ý, đối tượng bị khởi tố, bắt giam không chỉ là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn bao gồm cả những cán bộ cấp cao do T.Ư quản lý, một sự thật đáng buồn nhưng nó đã phơi bày hết góc khuất, mảng tối trong công tác quản lý Nhà nước và sự thoái bóa, biến chất của một số cán bộ cấp cao đã đặt lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia.
Những đại án điển hình có thể kể đến như: 35 dự án tại tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nhiều dự án nằm ở vị trí “đất vàng” đều chuyển đổi mục đích sử dụng không qua đấu thầu với nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến việc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng, cắt hết tất cả các chức vụ.
Trước đó, vụ đại án tại Sabeco và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng đã khiến nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, cùng hàng loạt cán bộ thuộc cơ quan này và cán bộ thuộc UBND TP Hồ Chí Minh bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, chuyển nhượng trái phép dự án.
Ngày 27/2 vừa qua, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, Cục Thuế tỉnh Bình Dương do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự, đối với dự án đất vàng 43ha khi doanh nghiệp được xem là “sân sau” của những lãnh đạo này (Tổng Công ty 3/2) chỉ phải nộp thuế với mức “rẻ như bèo” đối với khu đất vàng (thấp hơn đến 27 lần so với thực tế), dẫn đến hậu quả làm thất thoát ngân sách Nhà nước trên 761 tỷ đồng.
Hay mới đây nhất là sự việc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch và nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã bị khởi tố, bắt giam, cũng liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thực hiện đấu thầu, đấu giá dự án có sử dụng đất không đúng quy định, gây thất thoát ngân sách...
“Những đối tượng liên quan đến sai phạm bị khởi tố, bắt giam có nhiều người là cán bộ cấp cao (cấp Ủy viên T.Ư Đảng), họ đầy đủ những kiến thức pháp luật để hiểu về hành vi của mình, nhưng vì lợi ích quá lớn nên đã cố tình sai phạm, mà sai phạm có tổ chức thông qua hình thức “lách luật”.
Những đối tượng này đã lợi dụng khoản 3 Điều 10 Luật Đất đai, quy định về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhưng tài sản của Nhà nước được góp vốn trở thành tài sản của doanh nghiệp, rồi thoái vốn bằng chuyển nhượng cổ phần, qua đó một lượng lớn tài sản Nhà nước đã rơi vào túi cá nhân, nhóm người” - luật sư Trịnh Hữu Đức (Hội Luật gia Việt Nam) lý giải.
Lợi ích nhóm sẽ được ngăn chặn
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo (Văn phòng Luật sư 24/7), những sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước có liên quan đến đất đai mà không thông qua hình thức đấu thầu xảy ra trong thời gian qua là do những “lỗ hổng” của luật. Theo đó, Luật Đất đai 2013 không có quy định chi tiết về đấu thầu dự án có sử dụng đất, mà nội dung này chỉ được quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Chính việc các dự án luật chưa có sự đồng bộ, thống nhất nên đã dẫn đến việc “lách luật” trong quá trình thực thi. Những cán bộ, lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước đã tiếp tay cho sai phạm thông qua việc ban hành những văn bản, quyết định cho phép cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được thuê đất và được giao đất trái với thẩm quyền mà không thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu, gây lãng phí tài sản, ngân sách Nhà nước. Trong đó, nhiều đối tượng được giao đất, thuê đất không đủ tiềm lực tài chính dẫn đến việc hàng trăm dự án bị bỏ hoang, chậm triển khai.
“Để khắc phục những bất cập và đồng bộ về quy định giữa các dự án luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là đất đai đối với dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 116 Luật Đất đai 2024 đã có quy định rõ ràng, chi tiết về công tác giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu và quy định không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Quy định này góp phần làm cho công tác quản lý, sử dụng đất đai được thực hiện một cách chặt chẽ, minh bạch hơn; đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong xã hội” - luật sư Hoàng Văn Đạo phân tích.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, ngoài những quy định chi tiết về công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng, lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.
“Điều 241 Luật Đất đai 2024 đã phân cấp, phần quyền cụ thể cho người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đất đai tại địa bàn quản lý. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những điểm đáng chú ý và vô cùng quan trọng khi được đưa vào luật, vừa tăng cường vai trò của cán bộ, lãnh đạo cơ quản quản lý Nhà nước khi thực thi công vụ, vừa góp phần làm cho công tác quản lý đất đai trở nên minh bạch hơn” - ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Tại cuộc họp về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 diễn ra tại Hà Nội ngày 16/4 vừa qua do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Hồng Hà chủ trì, đại diện bộ, ngành chuyên môn (Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT) đã báo báo về tiến độ soạn thảo 6 nghị định, 4 thông tư để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với dự kiến).
Các chuyên gia cho rằng, việc đưa Luật Đất đai 2024 vào thực thi sớm hơn dự án là việc hoàn toàn khả thi và hết sức quan trọng để đảm bảo phát huy tối đa giá trị đất đai, giải quyết khó khăn, vướng mắc giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai. Quan trọng hơn là sẽ sớm “bịt lỗ hổng” của pháp luật, ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để tham nhũng, khai thác giá trị đất đai phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Luật Đất đai 2024 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc thực thi những quy định về đất đai. Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng đã được bổ sung vào luật là công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, qua đó tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc khai thác, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TS Phan Xuân Dũng