Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

BlackBerry và câu chuyện "người khổng lồ tự bắn vào chân"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngủ quên trên vinh quang quá lâu đã khiến BlackBerry, tượng đài một thời của làng điện thoại sa sút thảm hại và tương lai sụp đổ hoàn toàn đang dần trở thành hiện thực.

Ở thời điểm giữa năm 2007, nếu có ai đó nói rằng trong tương lai BlackBerry vẫn chỉ tập trung vào khách hàng DN và chính phủ chắc chắn hãng sẽ thất bại thì người ấy sẽ bị coi là kẻ ngớ ngẩn. Thật vậy, khi đó BlackBerry đã phát triển tới "đỉnh" và giúp cổ phiếu của RIM (Tập đoàn sở hữu BlackBerry trước đây) đạt mốc gần 140 USD cũng như chiếm tới 1/5 thị phần điện thoại di động trên toàn thế giới với 10 triệu người dùng. Tuy nhiên chỉ chưa đầy 10 năm sau, "người khổng lồ" một thời này đã gần như sụp đổ hoàn toàn.
Chỉ trong giai đoạn từ 2007 - 2009, mọi thứ gần như thay đổi 360 độ với BlackBerry, giá cổ phiếu tụt ở mức không tưởng từ "đỉnh" 140 USD xuống chỉ còn chưa đầy 50 USD. Tới năm 2012, mọi thứ còn bi đát hơn khi cổ phiếu của hãng điện thoại này đã chạm đáy khi chỉ còn 6,1 USD/cổ phiếu. Và cũng từ đó đến nay, mức giá vẫn chỉ quanh quẩn trong ngưỡng 12 USD/cổ phiếu.
 Z10 - Một sản phẩm "nửa vời" đánh dấu sự đầu hàng của BlackBerry trên thị trường smartphone
Cũng trong quãng thời gian từ đó đến nay, liên tục các lãnh đạo cao cấp đến rồi đi cùng nhiều mẫu điện thoại mới nhưng thành công vẫn luôn lẩn tránh BlackBerry. Mảng doanh nghiệp đều đặn tụt giảm mạnh về lượng khách hàng theo từng năm, thị trường chính tại châu Á cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt dẫn tới mất dẫn người dùng, các sản phẩm mới liên tục thất bại về doanh thu ... mọi thứ dần đẩy hãng điện thoại này vào đường cùng.
Và mới đây nhất, vào ngày 28/9 vừa qua, trước tình hình kinh doanh quý 2/2016 vô cùng ảm đạm, chỉ bán được 400.000 chiếc smartphone, BlackBerry đã tuyên bố từ bỏ mảng sản xuất điện thoại mà thay vào đó là phát triển mảng phần mềm. Đến lúc này thị phần của BlackBerry chỉ chiếm chưa đầy 1% thị trường điện thoại, một con số không tưởng sau vẻn vẹn gần chục năm.
Trưởng hợp của BlackBerry cũng tương tự như Nokia, tượng đài từng lẫy lừng một thời của làng điện thoại. Cả 2 đều ngủ quên trong vinh quang, trung thành với triết lỹ già cỗi không theo kịp thời đại, tự bắn vào chân mình với nhiều quyết định sai lầm mang tính bước ngoặt và đặc biệt là cùng quá khinh thường các đối thủ cạnh tranh có tầm vóc nhỏ hơn. Đối thủ được nhắc tới ở đây là Apple, với iPhone sản phẩm đánh dấu sự đi xuống và diệt vong của Nokia, có thể sắp tới sẽ có thêm cả BlackBerry.
Vào năm 2007, khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, CEO của BlackBerry, Jim Calsillie từng lên tiếng cho rằng chiếc điện thoại này không "có tuổi" khi so sánh với bất kỳ chiếc điện thoại nào của hãng. Đó chỉ là một mặt hàng mới gia nhập vào một khu chợ đã quá bận rộn với đầy rẫy những sản phẩm tốt dành cho người tiêu dùng, Jim đã nói thế về iPhone.
Nhưng chỉ đúng 1 năm sau, iPhone đã liên tục cướp đi lượng lớn khách hàng của BlackBerry. Dần dần người ta không còn thấy dân công sở dùng BlackBerry mà thay vào đó là một chiếc iPhone, người dùng phổ thông cũng dần sử dụng nhiều hơn điện thoại của Apple. Và xu hướng này càng tăng mạnh ở những năm tiếp theo.
Khi nhận ra sự uy hiếp từ iPhone, BlackBerry đã mau chóng bước chân vào phân khúc điện thoại có màn hình cảm ứng ở thời điểm cuối năm 2008 nhưng sản phẩm đầu tay là Storm lại có thất bại nặng nề. Đáng chú ý, cũng vào lúc này hệ điều hành Android của Google đã chính thức bắt tay với Samsung để cùng tấn công phân khúc smartphone tầm trung và giá rẻ.
Trong những năm tiếp theo, BlackBerry đã ra mắt đủ loại smartphone trải đều nhiều phân khúc từ cao cấp đến bình dân nhưng tất cả đã quá muộn để thay đổi hiện thực, họ đang thất bại. Phân khúc cao cấp bị iPhone chiếm lĩnh, tầm trung thuộc về Samsung và giá rẻ là tràn ngập các thương hiệu đến từ Trung Quốc. Ngay cả khi BlackBerry lấn sân sang thị trường máy tính bảng với PlayBook thì sản phẩm này cũng mau chóng thành bom xịt.
Quan sát quá trình phát triển sản phẩm của BlackBerry trong nhiều năm trở lại đây có thể thấy nguyên nhân chính khiến hãng điện thoại này thảm hại như hiện tại chính là từ sự bảo thủ.
Hãng luôn tin tưởng một cách mù quáng vào phím cứng vật lý, điều đã từng làm nên tên tuổi của mình, sẽ tiếp tục mang đến thành công mà không chú ý rằng hầu hết người dùng chỉ thích bàn phím cảm ứng. Bên cạnh đó là chỉ tập trung vào vào tính năng emai, tin nhắn cũng như bảo mật mà quên đi xu hướng của người dùng ngày càng ưa chuộng những chiếc điện thoại có camera chụp ảnh tốt và chất lượng âm thanh chuẩn.
Từ bỏ mảng sản xuất điện thoại để chuyển sang phát triển phần mềm, có cơ sở để tin rằng BlackBerry sẽ thành công nếu biết 6 tháng đầu năm 2016, hãng đã kiếm được 137 triệu USD từ đây, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cần nhớ rằng, Microsoft, hãng phần mềm hàng đầu thế giới đã từng thất bại khi cố gắng tích hợp Windows Phone vào điện thoại của Nokia sau khi bỏ 7 tỷ USD đề mua lại bộ phận sản xuất của hãng Phần Lan. Và chỉ đúng 2 năm sau, Microsoft đã phải bán lại bộ phận này cho Foxconn với giá 350 triệu USD.