Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Blockchain và cơ hội cho nền kinh tế số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghệ Blockchain ngày càng được khẳng định vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế số. Việc kích hoạt và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghệ này sẽ tạo đà cho Việt Nam bứt tốc phát triển trong bối cảnh số hóa.

Bùng nổ công nghệ Blockchain

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ...

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ trên toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thúc đẩy sử dụng giao dịch kỹ thuật số thông qua blockchain vào rất nhiều lĩnh vực như: dịch vụ ngân hàng, sản xuất công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, y tế, bán lẻ và tiêu dùng… Đặc biệt, blockchain có thể áp dụng phục vụ các lĩnh vực công.

Tựa game tỷ USD Axie Infinity, minh chứng cho sự thành công thời blockchain
Tựa game tỷ USD Axie Infinity, minh chứng cho sự thành công thời blockchain

Blockchain đang từng ngày được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số, khiến các doanh nghiệp buộc phải định nghĩa lại các khái niệm cũ như tư liệu, tài sản, khấu hao, hợp đồng, mô hình doanh nghiệp, cổ phần… Ngoài ra, blockchain còn hình thành các mô hình, cấu phần nền kinh tế mới như Defi, Trao đổi vạn vật (exchange of things), kinh tế máy… 

Ứng dụng blockchain không chỉ thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, chủ động với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Dự kiến vào năm 2030, blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm, 10% - 20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy theo các hệ thống công nghệ Blockchain.

Theo CB Insights, lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực này cũng tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công Nghệ cho biết, blockchain được gọi là công nghệ “thời thượng”. Khi chuyển đổi số, điều cần thiết là để xử lý được dữ liệu khổng lồ trên môi trường số hóa. Do đó, blockchain sẽ trở thành một công nghệ chìa khóa giải quyết các thách thức của câu chuyện dữ liệu, dữ liệu lớn trong chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành đang thúc đẩy việc sử dụng blockchain như: TP Hồ Chí Minh đang ứng dụng blockchain để tổ chức tốt hơn hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và phát triển đô thị.

Tương tự, TP Đà Nẵng ứng dụng blockchain trong thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, tạo ra nhiều việc làm, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

Các doanh nghiệp lớn, tổ chức tài chính cũng dần nắm bắt và ứng dụng công nghệ này. Đơn cử như Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ứng dụng blockchain vào quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân giúp lưu trữ lại toàn bộ lịch sử khám, chữa bệnh của người dân hay Vietcombank ứng dụng blockchain trên ngân hàng số…

Cơ hội phát triển 

Nhiều chuyên gia công nghệ đưa ra nhận định, Việt Nam là một trong những trung tâm công nghệ năng động nhất trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng đầu tư vào vào các startup blockchain cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tháng 10/2021, Sky Mavis, công ty phát triển tựa game blockchain đình đám Axie Infinity, tuyên bố huy động được 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. Hay đầu tháng 12/2021, Whydah - một trong những công ty tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain của Việt Nam, cũng huy động thành công 25 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư quốc tế.  “Kỳ lân” công nghệ Kyber Network - Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ tại hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn.

Trong top 200 công ty blockchain phát triển trên thế giới có 5 - 7 công ty do người Việt sáng lập... Có thể nói, startup Việt đang có chỗ đứng đáng nể trong cộng đồng blockchain thế giới.

Bàn về khả năng phát triển blockchain tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định, với nguồn nhân lực thông minh, cần cù là một thế mạnh thì cần có những chính sách cụ thể để thành lập cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ về blockchain để bước đầu tạo ra hệ sinh thái cho công nghệ này.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế cởi mở để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và y tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần sớm có khung pháp lý đủ thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng blockchain phát triển.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, trong kế hoạch phát triển đất nước giai đoạn 2035-2045 cũng nhấn mạnh đến mục tiêu Việt Nam trở thành nền kinh tế số, và để đạt được mục tiêu này cần phải sử dụng công nghệ blockchain.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay, blockchain cùng với trí tuệ nhân tạo là công cụ để đưa Việt Nam vào một nền kinh tế số.

Gợi mở về hướng phát triển Blockchain, ông Trần Huyền Dinh - nhà sáng lập và CEO công ty công nghệ AlphaTrue cho biết, Việt Nam có thể ứng dụng Blockchain vào trong chuyển đổi số.  Tuy nhiên, muốn làm được điều này, chúng ta cần lưu ý việc xây dựng thêm những “cây cầu” ứng dụng để kết nối với nhau và phát triển cùng nhau.

“Chẳng hạn website có thể xây dựng thêm nhiều platform để mở rộng và kết nối các nền tảng công nghệ với nhau. Điều đó giúp rút ngắn khoảng cách giữa các doanh nghiệp truyền thống và công nghệ”, ông Dinh nói.

Dưới góc độ từ cơ quan quản lý về công nghệ, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đang xây dựng đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây có thể xem là không gian để cho lĩnh vực Blockchain có điều kiện để phát triển tại Việt Nam.

Trong khi đó, từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư Pháp cho biết, tại Nghị quyết 23, về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030, Bộ Tư Pháp đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của Blockchain. Tuy nhiên, theo ông Tú cơ quan nhà nước phải xác định rõ việc sử dụng Blockchain. Nhà nước cần tạo lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Block chain.

Cụ thể, để giải quyết khâu pháp lý đó là phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng Blockchain, tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên và các bộ ngành phải rà soát về luật, để loại bỏ hoặc thêm vào những quy định nhằm phát triển của Blockchain.

 

Được phát minh từ năm 2008 bởi một kỹ sư phần mềm của Nhật Bản, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau. Đặc biệt, các thông tin dữ liệu trên các block là không thể thay đổi, nó chỉ có thể được cập nhật và bổ sung thêm. Do đó, công nghệ này gắn liền với tính minh bạch, chính xác và có thể hoạt động xuyên biên giới.