Bluechip mất phong độ, loạt doanh nghiệp xin hoãn nộp báo cáo tài chính

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều phiên giao dịch gần đây, trong khi các cổ phiếu nhỏ và vừa (penny) tiếp tục thăng hoa thì nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn lại giảm phong độ, thậm chí giao dịch tiêu cực.

Cổ phiếu lớn “rơi” mạnh

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất (ngày 6/4), VN-Index bốc hơi gần 10 điểm, về mức 1.070,91 điểm. Tại rổ VN30, 22/30 cổ phiếu giảm giá. Giao dịch tiêu cực nhất là các cổ phiếu VHM, VCB, VIC, GVR, CTG… GVR là cổ phiếu giảm mạnh nhất rổ VN30. Trước khi vào ATC, mã này chỉ giảm 1,8% và kết phiên thì mức giảm lên đến 3, Nhìn chung thị trường diễn biến xấu chủ yếu trong phiên ATC, còn trước đó vẫn theo hướng giằng co.

Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland- DN vừa xin hoãn công bố báo cáo tài chính- tại sự kiện tổ chức vào tháng 4/2022.
Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Everland- DN vừa xin hoãn công bố báo cáo tài chính- tại sự kiện tổ chức vào tháng 4/2022.

Nhóm tăng tốt như chứng khoán cũng đảo chiều, mất phong độ về cuối phiên. Đến 14h, SSI vẫn tăng giá, nhưng sau đó thì sắc đỏ xuất hiện và giá kéo về 21.850 đồng/cổ phiếu, tức giảm 2.89%. VND và VCI phát tín hiệu giảm sớm hơn, kết phiên giảm trên 3,3%. HCM mất 3.74%, SHS giảm hơn 4%, FTS hơn 4% và VIX giảm 5.4%,… Chứng khoán theo đó là ngành giảm mạnh nhất phiên 6/4.

Tương tự, ngành xây dựng vốn tăng tốt phiên sáng, nhưng sang chiều đồng loạt giảm. REE, VCG, PC1, CTD, CII đều giảm khá. BCG cũng không còn tăng trần, chốt phiên tăng 4.4%.

Nhóm bất động sản giao dịch theo hướng phân hóa hơn. Như tại nhóm Vingroup, VRE tăng giá dù hai cổ phiếu còn lại là VIC và VHM giảm. NVL tăng hơn 3%,sau thông tin cam kết hỗ trợ trả lại tiền lãi và gốc cho người mua sản phẩm. L14, QCG, VRC và VPH là 4 mã còn tăng trần. Điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục cải thiện với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương ứng hơn 18.600 tỷ đồng.

Trong khi nhóm vốn hoá lớn đi lùi đáng kể, thì cổ phiếu nhỏ, vừa vẫn giữ nhịp tăng tốt. VPH, IBC, PTC, QCG tăng trần. Các mã penny này có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, nhưng cổ phiếu lại tăng giá mạnh. Như IBC (Apax Holdings) của shark Thuỷ còn vừa bị Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.

Danh sách nhắc nhở của HoSE còn có nhiều cổ phiếu khác như HBC, HPX, NVL, TGG, LDG, ABS, ADM, AGM, GAB, HAI, TVB, POM, HVN. Nhiều doanh nghiệp trong số này có công văn xin gia hạn thời gian nộp báo cáo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp như ABS, GAB, HAI, HTN, KMR, PLP, TTB, TTE, VNE không có bất kỳ động thái nào.

Chủ đầu tư Dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn xin hoãn công bố báo cáo tài chính

Chiếm áp đảo trong danh sách HoSE nhắc nhở về chậm nộp báo cáo tài chính, là các doanh nghiệp bất động sản. Một số doanh nghiệp xin tạm hoãn gửi vì cần ổn định hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Everland (EVG) xin hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 15/5. Everland cho biết, quý I năm nay đang đẩy mạnh công tác kiện toàn và củng cố bộ máy nhân sự của công ty mẹ, đồng thời kiện toàn và sắp xếp lại cơ cấu bộ máy tổ chức nhân sự tại các công ty con, công ty thành viên.

Về Everland, trước đó, ngày 30/4/2022 Công ty CP Everland Vân Đồn đã tổ chức khởi công Dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có quy mô 2,6ha, thuộc Lô M1 – Khu đô thị du lịch và Bến cảng cao cấp Ao Tiên, xã Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty CP Everland Vân Đồn là công ty con của Tập đoàn Everland. Tập đoàn Everland được giới thiệu là nhà đầu tư phát triển hệ sinh thái bất động sản, du lịch “All in one” – gắn kết giữa đầu tư, quản lý hạ tầng BĐS du lịch (khách sạn, resort, trung tâm thương mại, khu mua sắm, vui chơi giải trí, thể thao, spa, sân golf...) và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng quản trị, công nghệ tiên tiến. 

Ngoài Everland, nhiều Tập đoàn xây dựng khác như Xây dựng Hoà Bình, Louis Capital cũng xin gia hạn công bố báo cáo tài chính.

Công ty CP Xây dựng Hoà Bình (HBC) xin được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, chậm nhất đến ngày 12/5. Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, gần đây hàng loạt công trình trên cả nước của doanh nghiệp bị ngưng trệ do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều khách hàng vướng mắc rất lớn về dòng tiền, không thể thi công và thanh toán đúng hạn, dẫn đến tình hình thu tiền tại các dự án của Hòa Bình bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng so với kế hoạch. Vì vậy đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian để tiến hành thủ tục, thu thập thêm chứng từ.

"Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 công ty chúng tôi có nhiều biến động về nhân sự cấp cao và có nhiều xung đột trong hội đồng quản trị. Vì vậy, công ty gặp khó khăn trong việc phối hợp hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn" - ông Lê Viết Hải cho hay.

Công ty CP Louis Capital (TGG) cũng thông báo xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 đến (chậm nhất) ngày 30/4 với lý do công ty thay đổi đơn vị kiểm toán. Louis Capital đã lựa chọn Công ty Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) là đơn vị thực hiện kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2021 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.

Công ty CP Đầu tư LDG xin gia hạn thời gian công bố thông tin Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 28/4/2023. Trong công văn, LDG lý giải việc chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 do hiện tại ngành bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn từ những bất ổn của nền kinh tế, tình hình bán hàng của Công ty cũng bị chậm lại.