Hà Nội đang khẩn trương triển khai phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn cho dòng sông này. Tuy nhiên, hành trình “cứu sống” sông Tô Lịch không chỉ dừng lại ở việc đưa nước sạch vào, mà còn phải giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm, trong đó, nước thải chính là nút thắt quan trọng nhất.
Nỗ lực từ quá khứ
Trong hơn hai thập kỷ qua, sông Tô Lịch đã trải qua nhiều cuộc “đại phẫu” với mong muốn trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng sông. Từ việc nạo vét bùn, kè bờ đến việc sử dụng chế phẩm sinh học Redoxy-3C, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là giải pháp tình thế. Kết quả đạt được không bền vững. Hình ảnh dòng sông đen kịt, bốc mùi nồng nặc vẫn là nỗi ám ảnh của người dân sinh sống ven sông.
Từ năm 2000, TP Hà Nội đã thực hiện dự án nạo vét và kè hai bờ sông, kỳ vọng cải thiện cảnh quan cũng như hạn chế tình trạng sạt lở. Đến năm 2008, Hà Nội từng đưa ra đề án bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, sau đó xả sang sông Tô Lịch nhằm tăng lưu thông dòng chảy. Tuy nhiên, phương án này vấp phải lo ngại từ các chuyên gia kinh tế và môi trường, khi nguy cơ làm biến đổi hệ sinh thái Hồ Tây và bồi lấp phù sa vào lòng hồ là rất lớn. Vì vậy, đề án này đã không được triển khai trên thực tế.
Năm 2019, TP Hà Nội tiếp tục thử nghiệm phương án làm sạch sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C do Công ty Thoát nước Hà Nội triển khai. Chế phẩm này được rải xuống hai khu vực tại phố Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân), với khu vực thử nghiệm được quây kín nhằm đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm. Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, sau một thời gian thử nghiệm, lượng oxy hòa tan trong nước đã tăng đáng kể, giúp giảm mùi hôi thối. Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả ban đầu, phương án này vẫn không được nhân rộng.
Cùng trong năm 2019, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) phối hợp thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản trên một đoạn sông gần đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy). Công nghệ này được kỳ vọng có thể phân hủy bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học. Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá lớp bùn tại khu vực thử nghiệm đã giảm đáng kể, hàm lượng oxy hòa tan trong nước tăng mạnh, đạt mức tiêu chuẩn cột A1 theo quy chuẩn Việt Nam về chất lượng nước mặt. Khi hệ thống phun mưa nano tạm ngừng hoạt động trong ba giờ, nước trong khu quây đã trở nên trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn và lớp váng trắng trên bề mặt cũng biến mất. Dù mang đến những tín hiệu khả quan, công nghệ này sau đó cũng không được triển khai rộng rãi.
Những nỗ lực trong suốt nhiều năm qua cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc phục hồi sông Tô Lịch. Tuy nhiên, bài toán làm sạch dòng sông này vẫn còn bỏ ngỏ, đòi hỏi một chiến lược toàn diện, dài hơi hơn thay vì những giải pháp mang tính thử nghiệm riêng lẻ.
![Hiện nước thải sinh hoạt vẫn được xả thẳng ra sông Tô Lịch.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/z6101988276138-795dbc30f76a2e7a6ea0c1fd8038514a.jpg)
"Chìa khóa" quan trọng nhất
Gần đây, Hà Nội đề xuất dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch với kỳ vọng giúp dòng chảy lưu thông tốt hơn, giảm bớt nồng độ ô nhiễm. Về mặt lý thuyết, đây là giải pháp quan trọng giúp sông Tô Lịch tránh bị “tắc nghẽn” do không có nguồn nước tự nhiên bổ sung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này chỉ là một phần của bài toán.
Thực tế cho thấy, lượng nước thải khổng lồ từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất vẫn ngày đêm đổ thẳng ra sông Tô Lịch mới chính là “khắc tinh” của mọi nỗ lực làm sạch. Theo thống kê, mỗi ngày có hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý đổ vào sông Tô Lịch.
Hệ thống xử lý nước thải hiện có dọc hai bên bờ sông quá tải, công suất hoạt động thấp, hiệu quả xử lý hạn chế. Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tiên cần làm là chấm dứt tình trạng nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra sông Tô Lịch. Đây sẽ là “chìa khóa” quan trọng nhất. Một vấn đề này chưa được “mở khóa” thì dù có bổ cập bao nhiêu nước sạch vào thì cũng rất khó để hồi sinh được dòng sông này.
GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường, nhận định: “Bổ cập nước sẽ giúp pha loãng chất ô nhiễm, tạo dòng chảy và giảm mùi hôi. Nhưng nếu nguồn nước thải vẫn tiếp tục xả xuống sông, thì việc bổ sung nước chẳng khác nào ‘rửa tay trong chậu bẩn’. Chúng ta phải xử lý tận gốc nước thải trước khi nghĩ đến chuyện hồi sinh dòng sông”.
Ngoài ra, chất lượng của nguồn nước bổ cập cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nếu không có hệ thống xử lý nước đầu vào, việc lấy nước từ sông Hồng có thể vô tình đưa thêm ô nhiễm vào sông Tô Lịch.
Trước đó, khi TP Hồ Chí Minh triển khai dự án bổ cập nước vào kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP này cũng phải thực hiện hàng loạt biện pháp đồng bộ như thu gom nước thải, kiểm soát nguồn xả và cải thiện cảnh quan đô thị.
Một số chuyên gia gợi ý rằng, Hà Nội có thể kết hợp thêm các giải pháp khác như sử dụng nước từ các hồ điều hòa hoặc tái sử dụng nước đã qua xử lý từ các nhà máy xử lý nước thải. Điều này giúp giảm áp lực lên hệ thống cấp nước đô thị, đồng thời đảm bảo chất lượng nước đầu vào cho sông Tô Lịch.
![Để "hồi sinh" sông Tô Lịch, cần một giải pháp đồng bộ, trong đó kiểm soát nước thải là vấn đề then chốt.](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/.jpg)
Kiểm soát nước thải và cải tạo đồng bộ
Theo các chuyên gia môi trường, để giải quyết bài toán nước thải, cần có một chiến lược tổng thể và lâu dài. Cần nâng cấp, mở rộng hệ thống xử lý nước thải hiện có, xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải mới với công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về xả thải. Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng vô cùng quan trọng.
Nhìn vào những TP trên thế giới đã thành công trong việc cải tạo các dòng sông ô nhiễm, điểm chung dễ thấy nhất là họ đều đặt ưu tiên hàng đầu vào việc xử lý nước thải. Không có dòng sông nào có thể “sống lại” nếu vẫn tiếp tục hứng chịu hàng chục nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày.
Hàn Quốc từng có con sông Cheonggyecheon bị ô nhiễm nặng nề như sông Tô Lịch hiện nay. Chính quyền Seoul đã chi hàng tỷ USD để dỡ bỏ các công trình lấn chiếm, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, đồng thời bổ cập nước sạch từ sông Hàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, Cheonggyecheon đã trở thành điểm đến du lịch và biểu tượng xanh của thành phố.
Tại Singapore, sông Kallang từng là “dòng sông chết” do ô nhiễm công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Chính phủ nước này đã thực hiện một chiến dịch kéo dài 10 năm, trong đó trọng tâm là chuyển toàn bộ nước thải ra khỏi sông và tái tạo hệ sinh thái ven sông. Hiện nay, Kallang đã trở thành một phần trong hệ thống hồ chứa nước sạch của Singapore.
Bài học từ các quốc gia này cho thấy rằng muốn hồi sinh sông Tô Lịch, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải, đảm bảo không còn tình trạng xả thải trực tiếp. Song song với đó, TP cũng cần quy hoạch lại khu vực hai bên bờ sông, khuyến khích phát triển không gian xanh để giảm tác động ô nhiễm.
Theo báo cáo ngày 4/2 của Sở Xây dựng, hiện còn hơn 80 cống xả thẳng nước thải vào sông Tô Lịch, trong đó 26 cống nằm trong phạm vi dự án Nhà máy nước thải Yên Xá và 55 cống thuộc lưu vực thoát nước S3 (đưa nước thải về nhà máy nước thải Phú Đô, nhưng dự án chưa triển khai).
Để xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đang trực tiếp xả ra sông Tô Lịch, Sở Xây dựng đang xây dựng phương án trình TP để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.
Bổ cập nước cho sông Tô Lịch là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để dòng sông thực sự hồi sinh, cần nhìn nhận bài học từ quá khứ, tập trung giải quyết dứt điểm bài toán nước thải. Chỉ khi nguồn thải được kiểm soát và xử lý hiệu quả, việc bổ cập nước mới thực sự phát huy tác dụng, mang lại một dòng sông Tô Lịch trong sạch như xưa. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn cần sự chung tay góp sức của toàn cộng đồng.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy chảy về phía Nam TP và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Toàn tuyến sông có hàng trăm cửa xả nước thải khiến nước sông thường xuyên đen kịt, bốc mùi hôi thối. Theo ước tính, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.