Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương cảnh báo vay tiêu dùng lãi suất cao sẽ rủi ro

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết người vay bị tính lãi suất lên tới 60%/năm sẽ gặp nhiều rủi ro.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một số nội dung lưu ý người tiêu dùng khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, thời gian vừa qua Cục này đã nhận được nhiều phản ánh, tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.
 
Cụ thể, quá trình tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng, bao gồm thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng…
Không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay.
Không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ các nội dung, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi.
Thực hiện hành vi nhắc nợ, đòi nợ ảnh hưởng tới uy tín của người tiêu dùng, người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh, những hành vi nêu trên đang ảnh hưởng tới tài sản, danh dự, sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.
Theo Cục cạnh tranh, người tiêu dùng không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn người tiêu dùng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, dẫn đến, số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người tiêu dùng được thông báo trong quá trình tư vấn.
Một số người tiêu dùng phản ánh đến Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy người vay bị tính lãi suất 3-5%/tháng (36-60%/năm). Trước đó, người vay lại được nhân viên tư vấn lãi suất chỉ 1-2%/tháng (khoảng 12-24%/năm).
Thậm chí còn xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, từ đó phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, người sử dụng dịch vụ vay tiêu dùng cần lưu ý, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ. Chỉ ký khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác.
Người vay cần yêu cầu cung cấp hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu của đơn vị cung cấp dịch vụ để lưu giữ, đối chiếu và thực hiện đúng theo nội dung trong hợp đồng.
Khi có tranh chấp, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư, để đảm bảo lưu vết thông tin. Tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.