Bộ Công Thương: Cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì doanh nghiệp thua lỗ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khiến giá bán lẻ trong nước cũng đảo chiều, đẩy doanh nghiệp (DN) thua lỗ lớn, buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng. Điều này là nguyên nhân khiến cho hiện tượng một số DN xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh.

Đây là lý giải của Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông về nguyên nhân một số địa phương thiếu xăng dầu những ngày qua tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/10.

Quang cảnh cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/10.
Quang cảnh cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/10.

Ông Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua có hiện tượng một số DN xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh tập trung tại khu vực phía Nam. Nguyên nhân là từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Hơn nữa, trong quý II/2022, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, DN đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu giữa bối cảnh giá cả thế giới tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Trong quý III/2022, việc giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh khiến giá bán lẻ trong nước cũng đảo chiều, đẩy DN thua lỗ lớn buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng. Tình trạng một số DN bị tước giấy phép tạm thời hay không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử cũng là yếu tố tác động đến thị trường trong nước.

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông trả lời tại cuộc họp báo chiều 12/10.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông trả lời tại cuộc họp báo chiều 12/10.

Việc kinh doanh thua lỗ từ tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý buộc DN phải giảm chiết khấu để hạn chế hoạt động lấy hàng của đại lý bán lẻ, dẫn đến tình trạng DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Ngoài ra, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước. DN chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao trong khi chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên DN hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ.

Ngoài ra, một số DN đầu mối phía Nam bị tước giấy phép trong khoảng 1-1,5 tháng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Thông tin về giải pháp ổn định thị trường xăng dầu trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát chi phí cơ cấu tính giá. Sau kỳ điều hành ngày 11/10, Bộ đã bước đầu rà soát và điều chỉnh chi phí. Tuy nhiên, hiện nay chi phí tiếp tục tăng rất mạnh, theo đó Bộ sẽ tiếp tục tính toán với Bộ Tài chính tăng chi phí cơ sở. Bộ cũng đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đầu mối đang gặp khó khăn về nguồn cung, bán hàng tại khu vực thiếu hàng cục bộ.

Đặc biệt, Bộc Công thương chỉ đạo tăng sản lượng sản xuất xăng cho thị trường trong nước. Rà soát nhập khẩu, tổng nguồn và có phân giao phù hợp cho thương nhân đầu mối trong quý IV/2022. Kết hợp rà soát sửa đổi trong việc điều hành giá xăng dầu như tăng quyền cho DN đầu mối, tăng thời gian điều hành, quyền của công ty con về vấn đề phân phối. Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh tạo điều kiện thông quan, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời cho xe chở xăng dầu được lưu thông giờ cao điểm.