Thời gian gần đây, Bộ Công Thương nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sắt thép và giày dép của Việt Nam về khó khăn trong việc xin cấp mới, gia hạn chứng nhận BIS của Ấn Độ. Một số doanh nghiệp đã hoàn tất việc nộp hồ sơ theo yêu cầu nhưng vẫn không nhận được chứng nhận BIS của Ấn Độ để tiếp tục hoạt động xuất khẩu sang thị trường này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, ngày 28/9/2023, Bộ Công Thương đã gửi công hàm tới Bộ Công Thương Ấn Độ thông báo về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến việc xin cấp Giấy chứng nhận BIS từ Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương Ấn Độ nhanh chóng giải quyết các yêu cầu liên quan tới Giấy chứng nhận BIS cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì môi trường giao thương thuận lợi, tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và ảnh hưởng tới thương mại song phương hai nước.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ làm việc với Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ để tìm hiểu vụ việc. Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/10/2023, Bộ Công Thương đã trao đổi với phía Ấn Độ về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xin chứng nhận BIS và đề nghị phía Ấn Độ khẩn trương xử lý.
Ngày 18/10/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã làm việc trực tiếp với Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, bày tỏ quan ngại về việc Cơ quan chức năng của Ấn Độ chậm cấp chứng nhận BIS cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ trao đổi với các cơ quan liên quan của phía Ấn Độ và sớm có biện pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Các quan ngại của phía Việt Nam đã được Tham tán Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam ghi nhận và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề nghị các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp mới, gia hạn Giấy chứng nhận BIS từ Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ liên hệ và cung cấp thông tin tới Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi theo số điện thoại: 024.2220.5430/024.2220.5479; Email: anhltm@moit.gov.vn, hieudc@moit.gov.vn). Bộ Công Thương sẽ tổng hợp danh sách doanh nghiệp và tiếp tục làm việc với phía Ấn Độ để thúc đẩy xử lý vướng mắc.