Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương: Không thiếu hàng tiêu dùng trong dịch Covid-19

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/4, Bộ Công Thương thông tin về hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịch Covid-19.

Cụ thể, hiện tình hình thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu tại các tỉnh, thành trên cả nước đã tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịch Covid-19.
Người tiêu dùng mua thực phẩm trong dịch Covid-19 tại siêu thị Vinmart.

Cả nước ước tính sản xuất khoảng 26 triệu tấn gạo (nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn); thịt khoảng 5,5 triệu tấn (chưa kể thủy hải sản khoảng 8,2 triệu tấn); giấy vệ sinh khoảng 240.000 tấn; khẩu trang vải năng lực sản xuất 40 - 50 triệu chiếc/tháng... hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân.
Tuy nhiên, tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội nhu cầu tăng đột biến sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên và ngày 1/4/2020 khi Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc..., người dân có hiện tượng đổ xô đến các siêu thị, chợ mua hàng tích trữ. Nhưng do DN, địa phương đã chủ động nguồn cung và có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo điều hành, cùng với sự đồng hành kịp thời của các cơ quan báo chí trong việc thông tin thị trường nên các hiện tượng trên đã nhanh chóng được xử lý.
Giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những thời điểm nhu cầu tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường tự do.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển và cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thị trường.
Cụ thể, mỗi địa phương có một cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện kiểm soát và hạn chế đi lại của người dân nên xảy ra tình trạng một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Sơn La, Đà Nẵng, Lào Cai, Hải Dương, Đồng Nai... ngăn không cho xe chở hàng hóa, thực phẩm lưu thông từ vùng sản xuất về các TP lớn.
Người tiêu dùng mua thực phẩm trong dịch Covid-19 tại Vinmart.

Bộ Công Thương cũng thường xuyên liên hệ với các DN bán lẻ như hệ thống siêu thị Big C, BRG Retail, Co.op mart, MM Mega Martket, Vincomerce... để cung cấp thông tin về cung cầu thị trường tại một số địa bàn, nhằm hỗ trợ và phối hợp với DN để điều phối hàng bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, để tăng cường các điểm bán hàng, cung cấp thuận lợi hơn cho người dân các nhu yếu phẩm, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu sở công thương các địa phương báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn hỗ trợ DN mở các điểm bán hàng tạm, dã chiến trong giai đoạn dịch Covid-19, qua đó bảo đảm giãn cách xã hội.
Để bảo đảm nguồn cung khẩu trang vải cho người dân, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các chương trình kết nối cung cầu giữa các DN sản xuất với DN phân phối tại các địa phương để đưa nguồn hàng đến tay người tiêu dùng, Bộ cũng đã thường xuyên cập nhật thông tin các điểm bán hàng khẩu trang trên trang thông tin điện tử của Bộ để thông tin đến người dân.