Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Thời điểm này, các hộ, cơ sở chăn nuôi gà cần cân nhắc, thận trọng tái đàn |
Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Hoa Kỳ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...) và có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.
Cục Xuất nhập khẩu thông tin, việc quản lý nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn nói chung và thịt gà nói riêng hiện nay được Bộ NN&PTNT thực hiện như sau: Chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; Tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.
Theo đó, các lô hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu phải thực hiện lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm; được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản... Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu và được thông quan, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bán trực tiếp thịt nhập khẩu cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng… hoặc vận chuyển về kho bảo quản bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y để tiêu thụ dần.
Giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. Giá nhập khẩu bình quân thịt gà tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg, tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), trong khi vào thời điểm giữa tháng 9 năm 2019, giá thịt gà công nghiệp tại Đông Nam Bộ là 16.000 - 18.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.
Như vậy, có thể thấy, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Cục Xuất nhập khẩu dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.