Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, vai trò và kết quả của hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện toàn diện trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này vừa khẳng định vai trò vừa nâng cao vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế.
EU27 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU.
“Do vậy, Việt Nam đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,35% số phiếu tán thành. Ngày 30/03/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA và đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam vào ngày 24/04/2020 về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.
Về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn vào phiên họp sáng 8/6/2020 với tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Với Hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU, ta vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
“Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Do đó, để kịp thời tận dụng cơ hội của thị trường EU nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Hội nghị lần này nhằm “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”, cụ thể, hướng tới 3 mục tiêu:
Thứ nhất, phổ biến về một số nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (thuế quan, kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm...) tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU.
Thứ hai, đề xuất cụ thể các giải pháp, biện pháp cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định (thuế quan, quy tắc xuất xứ...) và tận dụng được lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp nước ta.
Thứ ba, bàn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, truyền thông báo chí) để đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cũng như phát triển xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hiện nay.
“Sân chơi” lớn, thách thức lớn!
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ Hiệp định EVFTA như đã nêu trên, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ bước vào “sân chơi” lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới, cụ thể là:
Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp... Việc thực thi Hiệp định EVFTA, đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU.
Dù Hiệp định EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng một số ngành hàng nông, thủy sản của nước ta như hồ tiêu, chè, rau quả..., mặc dù chất lượng sản phẩm trong thời gian qua đã được cải thiện, tuy nhiên trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU và để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, thị trường hàng hóa nông, lâm, thủy sản được mở rộng. Tuy nhiên, vấn đề đàm phán về kiểm dịch động, thực vật hiện vẫn đang là một bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng nông, thủy sản lẫn nhau.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.