Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 30 thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Quyết định số 9802/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2014.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 30 thủ tục hành chính (28 thủ tục liên quan đến nhóm thủ tục của lĩnh vực điện lực và 2 thủ tục thuộc nhóm khác) trên tổng số 220 thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ Công Thương, chiếm 13,6%.
Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 30 thủ tục hành chính - Ảnh 1
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đơn giản hóa (bãi bỏ các thành phần tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính) 40/220 thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ Công Thương, chiếm 18,1%.

Các nhóm thủ tục hành chính được đơn giản hóa bao gồm 7 nhóm trong đó liên quan đến lĩnh vực hóa chất (3 thủ tục), lưu thông hàng hóa trong nước (6 thủ tục), khí dầu mỏ hóa lỏng (5 thủ tục), công nghiệp tiêu dùng (2 thủ tục), an toàn thực phẩm (2 thủ tục), dịch vụ thương mại (1 thủ tục), điện lực (21 thủ tục).

Như vậy, phương án đơn giản hóa của Bộ Công Thương áp dụng đối với 70/220 thủ tục hành chính thực hiện tại Bộ Công Thương, chiếm 31,7%, giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí tuân thủ của xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính.

Những nội dung trên nằm trong phần A của phương án tổng thể (đơn giản hóa trên cơ sở kết quả rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương năm 2014).

Tại phương án đơn giản hóa trong phần B (liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính), Bộ Công Thương đã rà soát, phát hiện 59 thủ tục hành chính cấp Trung ương và 32 thủ tục hành chính địa phương trong phạm vi yêu cầu rà soát theo Chỉ thị số 17.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, đối với các thủ tục này, các đơn vị thuộc bộ, các Sở Công Thương thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, khi cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính sẽ không bị yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực nếu xuất trình được bản chính để đối chiếu. Việc kiểm tra tính chính xác của bản sao so với bản chính là của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ.