Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Công Thương yêu cầu giảm công suất các nguồn phát điện khi có nguy cơ vượt phụ tải

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương vừa có chỉ đạo hỏa tốc về một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Trạm biến áp 500kV.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) bên cạnh việc dự báo, tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ cần thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo các quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
Trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia nếu không có ngay các mệnh lệnh điều độ chuẩn xác, được thực hiện kịp thời và các giải pháp khẩn cấp khác.
Ngoài ra, các đơn vị phát điện có nhà máy điện đấu nối và phát điện vào hệ thống điện quốc gia có trách nhiệm tuân thủ nghiêm phương thức vận hành, mệnh lệnh điều độ của cấp Điều độ có quyền điều khiển và kiểm tra theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BCT quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia, Thông tư số 31/2019/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của  quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với tinh thần chủ động tìm mọi giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia đối với trường hợp phụ tải xuống thấp và có chênh lệch quá lớn với tổng công suất nguồn điện. Vừa qua, EVN đã có một số văn bản báo cáo Bộ Công Thương cụ thể các vướng mắc và đề xuất giải pháp vận hành nguồn năng lượng tái tạo.
So sánh biểu đồ phụ tải giữa ngày thường và ngày Tết.
EVN yêu cầu A0 thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản 736 để triển khai tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động cũng như loại hình nguồn điện phải tiết giảm; đồng thời A0 chỉ huy điều độ đảm bảo phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết,...
Các lệnh điều độ cần được tuân thủ thực hiện nghiêm theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, hiện tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống hiện nay đã ở mức khoảng 69.000 MW với hơn 21.600 MW năng lượng tái tạo (riêng về điện mặt trời đã có công suất tổng cộng hơn 16.000 MW). Trong khi đó, vào các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa được dự báo có thể xuống thấp chỉ còn khoảng từ 13.000 MW đến 15.000 MW. Như vậy chỉ riêng tổng công suất của nguồn điện mặt trời còn có thể cao hơn cả công suất phụ tải thấp điểm buổi trưa của ngày Tết.
Theo các tính toán của A0, kể cả khi các nguồn năng lượng truyền thống đã giảm phát tối thiểu đến giới hạn kỹ thuật nhưng với tình hình phụ tải được dự báo xuống rất thấp vào dịp Tết thì tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu phụ tải. EVN đề nghị Chủ đầu tư các nguồn điện phối hợp chặt chẽ với A0 và các cấp Điều độ để thực hiện nghiêm theo các nội dung văn bản số 736/BCT-ĐTĐL ngày 5/2/2021 của Bộ Công Thương để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong những thời điểm phụ tải xuống thấp, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu tới.