Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT có trách nhiệm với yếu kém trong giáo dục đại học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước phần chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm về yếu kém trong giáo dục đại học.

Bộ trưởng cho biết, về chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội. Trong giai đoạn 2006-2011, Bộ GD&ĐT đã cho thành lập nhiều trường cao đẳng, đại học. Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động còn thiếu các quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên vẫn được phép hoạt động, làm cho chất lượng đào tạo thấp, điều đó đã làm cho số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng mà chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện. 
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm với yếu kém trong giáo dục đại học - Ảnh 1
Ông Luận cũng thừa nhận: Chương trình đào tạo đại học chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ; văn hoá - xã hội trong khu vực và trên thế giới; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học… Những yếu kém này đến từ hệ quả của công tác quản lý khiến quy mô tuyển sinh tăng nhanh, trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và không được chú ý nâng cao. “Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém trên đây”, Bộ trưởng khẳng định. 

Để chấn chỉnh, Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp như dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2015. Với nhiều ngành thừa sinh viên, dừng việc mở rộng các ngành đào tạo đó. Bộ đã yêu cầu dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở các khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bộ đã phối hợp tích cực hơn với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo

Về nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ đã tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa để rút kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới và đã nghiên cứu, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức xây dựng, thẩm định, triển khai chương trình này. Trong thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội.