Chiều tối 30/9, Bộ GD&ĐT tổ chức Họp báo thường kỳ quý III năm 2020 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Tại buổi họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc nhiều phụ huynh có con học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng chương trình quá nặng. Về việc này Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài đã có phản hồi: Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ phía giáo viên, học sinh hay các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học gửi ý kiến phản ánh về Bộ.
Quan điểm của Vụ Giáo dục Tiểu học và cá nhân tôi: Trước hết chúng ta đang triển khai chương trình mới lớp 1. Chương trình có quy định chuẩn đầu ra, khung thời lượng cho 1 năm học. Trong chương trình lớp 1 có 9 môn học thì đều quy định chuẩn đầu ra cho từng môn khi kết thúc năm học. Ví dụ đối với môn Tiếng Việt, sau lớp 1, các em đọc được 1 phút là bao nhiêu từ, viết 1 phút được bao nhiêu từ, đọc hiểu như thế nào...
Để đạt được chuẩn đó, chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt lớp 1 là 420 tiết. 5 bộ sách giáo khóa lớp 1 được biên soạn dựa trên khung thời lượng ấy, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đưa đến những đích đó.
Ông Thái Văn Tài cũng giải thích về việc, khi ban hành chương trình chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn. Trong đó có thực nghiệm, lấy ý kiến và được Hội đồng quốc gia, Hội đồng các nhà khoa học công bố. “Và, hiện nay chương trình đang triển khai những năm đầu tiên. Vì chương trình đã được thẩm định bằng hội đồng quốc gia đưa vào cuộc sống với những quy trình rất chặt chẽ, hiện nay mới bước đầu mà đã chúng ta nhận định là nặng là chưa đủ căn cứ và xác đáng cả” – ông Tài nói.
Ông Thái Văn Tài cho biết: Trong chương trình mới, Bộ GD&ĐT có đưa ra một nội dungđó là phát triển, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. |
Không chỉ thế, trong chương trình mới, Bộ GD&ĐT có đưa ra một nội dung bắt buộc khác với chương trình hiện hành lần trước đó là có sự phát triển, điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Có nghĩa là trong thực tế, khi triển khai chương trình, Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe, phản biện, những việc phát sinh diễn ra trong thực tế, Khi có đủ giai đoạn, đủ các căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt, lúc đó sẽ đánh giá tổng kết lại để chúng ta có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình triển khai. Như vậy chương trình lần này có độ mở, linh hoạt, tính mở linh hoạt trong quá trình điều chỉnh.
Ông Thái Văn Tài cũng lưu ý, khi thực hiện chương trình mới sẽ cố gắng giúp các em học sinh sau lớp 1 sẽ đọc thông, viết thạo, để xem đó là điều kiện học các môn khác. Trong chương trình lớp 1 mới, môn Tiếng Việt có kiến thức không cao hơn so với chương trình hiện hành nhưng thời lượng lại tăng từ 350 tiết lên 420 tiết.
Như vậy theo ông Tài, cùng 1 đơn vị kiến thức, chúng ta đang cố gắng bố trí đọc thông viết thạo ngay từ đầu càng sớm càng tốt; còn các môn khác ví dụ như môn Toán thì giảm đi 70 tiết. Đến khi các em đọc thông viết thạo rồi thì dành thời lượng đó để học Toán ở giai đoạn sau.