Trả lời câu hỏi này của phóng viên tại buổi họp báo công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, chiều 22/11, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài nói: Tính độc quyền SGK khi chỉ có một bộ SGK. Bây giờ có nhiều bộ SGK lớp 1 đến từ nhiều nhóm tác giả khác nhau và nhiều nhà khoa học khác nhau. Như vậy, khi có sự đa dạng SGK và tác giả viết sẽ không có tính độc quyền SGK.
Ông Thái Văn Tài cũng phản hồi về việc địa phương lựa chọn SGK. Luật không quy định lựa chọn SGK theo bộ hay môn. Việc lựa chọn SGK có chất lượng nhất là dựa trên tính phù hợp của từng bộ môn đối với địa phương. “Đây chính là cách lựa chọn thông minh nhất đối với người sử dụng. Cho nên, chúng ta không nên quá băn khoăn với tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, nội dung trong sách giáo khoa chỉ là phương tiện để học sinh hoạt động. Ảnh: Thủy Trúc |
5 bộ SGK được lựa chọn nhưng chỉ có 1 bộ SGK xã hội hóa có đầy đủ 9 môn học, còn 4 bộ SGK khác không đủ các môn. Như vậy, trong trường hợp phụ huynh chọn bộ SGK của NXB Giáo dục vẫn phải sử dụng sách của đơn vị khác, tính kế thừa có đảm bảo? Về việc này, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phản hồi: Chúng ta đang quen với việc có 1 bộ SGK, khi kiểm tra sẽ sử dụng ngữ liệu có trong quyển SGK đó. Học sinh khi chuyển từ địa phương này sang địa phương khác vẫn học nội dung trong SGK đó.
Vì thế, mọi người chưa hình dung được lần đầu tiên Việt Nam áp dụng một chương trình, nhiều bộ SGK. Chuẩn chương trình là quan trọng. Khi học sinh đang học trường này chuyển trường khác, học cuốn SGK khác không phải lo ngại. Bởi SGK chỉ là công cụ, phương tiện để học sinh thực hiện các hoạt động theo yêu cầu của thầy cô giáo.
Mặc dù chiều 22/11, Bộ GD&ĐT mới công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1, nhưng trước đó, trên một diễn đàn, đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã tuyên truyền và nói rằng bộ SGK do Sở này phối hợp với một NXB biên soạn. Về việc này, ông Thái Văn tài khẳng định: Trong các hồ sơ gửi lên Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 không có bất kỳ một hồ sơ nào thể hiện của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đứng tên. Và không có nội dung nào liên quan đến Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh.
Ông Tài cho rằng, có thể bộ SGK có đa phần tác giả là người phí Nam, đang thử nghiệm trên chính địa bàn này và Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có tham gia đóng góp cho bộ sách tốt hơn. “Theo quy định của Thông tư 33, những cơ quan này không có quyền tham gia. Nếu họ có tham gia ở 1 tác giả nào đó, sau này cũng không được phép có trong thành phần lựa chọn SGK”- ông Tài khẳng định.