Trên Fanpage của Bộ GD&ĐT và một số diễn dàn khác xuất hiện phản ánh của số ít thí sinh, phụ huynh về việc xảy ra lỗi trên hệ thống xét tuyển đại học như không nhận nguyện vọng, không hiển thị kết quả xét tuyển; đỗ nhưng báo trượt và ngược lại.….
Bên cạnh đó, có thí sinh phản ánh mình thừa điểm nhưng khi vào hệ thống thì trắng trơn, không hiển thị đỗ hay trượt; thừa điểm nhưng hệ thống báo trượt; đủ điểm các nguyện vọng 1, 2, 3 nhưng hệ thống báo đỗ nguyện vọng 4… Một vài tình huống thực tế mà thí sinh gặp phải đã được đưa ra và chờ câu trả lời.
Trước tình trạng trên, chị Dương Ngọc Vân- một phụ huynh thống thiết: “Mong Bộ GD&ĐT sớm đề ra phương án giải quyết cho các em chứ tôi thấy nhiều trường hợp bị lỗi quá. Gọi điện cho Bộ thì Bộ bảo gọi cho trường, mà gọi trường thì trường lại bảo do Bộ, vấn đề này trường không giải quyết được… Những ngày qua, tình trạng này khiến thí sinh rất hoang mang”.
Trả lời thắc mắc về có hay không xảy ra lỗi hệ thống, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Với phần mềm xét tuyển năm nay, nếu không tính đến việc thí sinh sơ suất khi đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng thì hệ thống mới chỉ ghi nhận một lỗi về “hiển thị thông tin”. Còn việc phải lùi lịch nộp trực tuyến lệ phí xét tuyển không phải do lỗi của Bộ, vì việc nộp này thực hiện trên nền tảng thanh toán của dịch vụ công quốc gia.
Với việc phần mềm lỗi hiển thị thông tin, Bộ nhận được phản ánh và đã yêu cầu đơn vị chức năng khắc phục được từ 12 giờ 30 trưa 18/9 (ngay ngày đầu tiên Bộ mở hệ thống xác nhận nhập học trực tuyến -PV). Khi hệ thống đang chạy để khắc phục thì mất một khoảng thời gian nhất định nên trong thời gian đó, nếu thí sinh vào có thể sẽ thấy một vài hiện tượng tưởng như là lỗi nhưng thực ra không phải. Trường hợp có lỗi hiển thị trước đó thì kết quả xét tuyển của thí sinh cũng không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, một vài trường hợp có thể chưa đúng do trường vẫn đang trong quá trình cập nhật thông tin. Theo yêu cầu của Bộ thì 17 giờ ngày 17/9, các trường phải cập nhật xong dữ liệu nhưng vì một số lý do mà đến thời hạn trên, trường chưa cập nhật đủ.
Trước ý kiến cho rằng thủ tục xét tuyển trực tuyến rườm rà, gây khó khăn và bất tiện cho thí sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong quá trình thực hiện trực tuyến các khâu xét tuyển, việc thí sinh phải có các thao tác như xác thực nguyện vọng, xác thực trúng tuyển… là cần thiết; các yêu cầu này thực chất là bước tự kiểm tra thông tin đăng ký nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho thí sinh do sự bất cẩn trong quá trình thao tác trên mạng. Quy trình cũng giúp bảo vệ tốt nhất lợi ích của các em.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, nếu quá trình xác nhận nhập học xảy ra lỗi, mà lỗi đó được xác định là do Bộ thì Bộ sẽ khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho thí sinh.
Là thí sinh đã thực hiện thủ tục xác nhận nhập học thành công ngay lần đầu tiên, em Đỗ Mai Anh, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Các thao tác em thực hiện đều trơn tru, không gặp vấn đề gì. Em cũng nghe ở trường có 1-2 bạn phản ánh về lỗi, sau đó các bạn đều thực hiện lại và đã nhận được kết quả xác nhận thành công”.
“Với một kho dữ liệu khổng lồ như vậy, không thể tránh sai sót hay lỗi hệ thống. Quan trọng là Bộ đã tìm ra giải pháp để khắc phục nhanh, khắc phục sớm và tạo sự yên tâm cho thí sinh”- phụ huynh Nguyễn Hoàng Oanh, trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, từ ngày 18/9 đến 17 giờ ngày 30/9, Bộ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Để đảm bảo thí sinh thực hiện các thao tác xác nhận không bị sai sót, Bộ GD&ĐT hướng dẫn thí sinh trúng tuyển đại học năm 2022 thực hiện xác nhận nhập học qua 6 bước. Sau thời điểm trên, thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung (căn cứ theo số lượng chỉ tiêu còn lại sau khi đã trừ số lượng chỉ tiêu theo nội dung tại quyết định xử lý vi phạm hành chính (nếu có).
Các cơ sở cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học các đợt, phương thức xét tuyển, các hình thức đào tạo theo đúng cấu trúc dữ liệu, đúng quy định trong các danh mục về tuyển sinh (trường phổ thông, xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn...) và đúng thời gian quy định vào Hệ thống.