Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai:

Bộ Giao thông vận tải đề xuất nâng cấp sân bay Biên Hòa

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa (Sân bay Biên Hòa) nâng cấp từ 4C thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Sân bay Biên Hòa.

Nếu đề xuất này được phê duyệt, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 2 sân bay là sân bay dân sự Long Thành và sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030 có công suất 5 triệu khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 công suất 10 triệu khách/năm. Ảnh: minh họa
Sân bay Biên Hòa thời kỳ 2021 - 2030 có công suất 5 triệu khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 công suất 10 triệu khách/năm. Ảnh: minh họa

Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất định hướng huy động nguồn vốn đầu tư Sân bay Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư và kiến nghị một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, tài sản công… làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tại Nghị quyết số 154/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Trước đó, tháng 6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, Sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.

Trên cơ sở đó, ngày 22/11/2023, UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng sân bay Biên Hòa.

Theo quyết định, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện thủ tục đầu tư sân bay Biên Hòa với yêu cầu đặt ra là đảm bảo đầu tư có hiệu quả, đồng bộ và đúng tiến độ, bao gồm thủ tục giao đất quốc phòng; điều chỉnh cấp quy hoạch; đề xuất các phương án giao thông kết nối và các khu phụ trợ; cập nhật vào quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các thủ tục khác để đầu tư xây dựng sân bay Biên Hòa.

Sân bay Biên Hòa được đề nghị nâng cấp là sân bay lưỡng dụng quân sự - dân sự. Ảnh: minh họa
Sân bay Biên Hòa được đề nghị nâng cấp là sân bay lưỡng dụng quân sự - dân sự. Ảnh: minh họa

 Đến ngày 24/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục ký Quyết định số 1485/QĐ-TTg sửa đổi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Quyết định số 1485/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 648/QĐ-TTgngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau: Thay thế quy mô, cấp sân bay Cảng hàng không Biên Hòa tại mục 15 phần II Phụ lục I cấp 4C bằng cấp 4E; thay thế quy mô, cấp sân bay Cảng hàng không Biên Hòa tại mục 18 phần II Phụ lục II cấp 4C bằng cấp 4E.

Được biết, Sân bay quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất của TP Hồ Chí Minh khoảng 30 km.

Về vị trí, sân bay này nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP Hồ Chí Minh, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Hiện tại Sân bay Biên Hòa cũng đã có sẵn hai đường băng dài 3,6 km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay,

Khi sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự - thương mại là sân bay quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.