Đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng điểm của Bộ GTVT trong năm 2022. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nổi trội của cơ quan này. Trong 11 tháng vừa qua, Bộ GTVT đã xử lý khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến công tác xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Điểm sáng từ công tác phát triển hạ tầng giao thông
Hai “siêu dự án” đang được Bộ GTVT triển khai là Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đến ngày 15/11/2022 đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với tổng số 25 gói thầu xây lắp; đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán, đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với 12 gói thầu khởi công trong năm nay.
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc thực địa, kiểm kê tài sản trên đất; đã phê duyệt phương án bồi thường được 1.702/6.006ha đạt 28%; giải ngân đạt 2.219/7.194 tỷ đồng vốn bố trí năm 2022 đạt 31%.
Trong công các quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, năm 2022, lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT triển khai 760 công trình sửa chữa định kỳ, chuẩn bị triển khai 76 công trình trong tháng 12/2022 (chưa kể các công trình sửa chữa đột xuất, khắc phục bão lũ bước 1…).
Xử lý 46 điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT, ban hành 8 quyết định công bố tình huống khẩn cấp để ứng phó với 7 cơn bão và một số đợt mưa lớn ở miền Trung; lĩnh vực đường sắt triển khai 24 công trình; lĩnh vực hàng hải 18 công trình; lĩnh vực đường thủy nội địa 102 công trình; lĩnh vực hàng không 60 công trình.
Về công tác giải ngân nguồn vốn bảo trì, đến nay đã giải ngân được 13.881 tỷ đồng/17.271.520 tỷ đồng, đạt 80,37% (chưa tính đến khối lượng thực tế đã và đang thực hiện nghiệm thu chưa thanh toán).
Trong đó, lĩnh vực đường bộ giải ngân được 8.925.793 tỷ đồng/10.486.000 tỷ đồng, đạt 85,12%; lĩnh vực đường sắt giải ngân được 2.266 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, đạt 75,53%; lĩnh vực hàng hải giải ngân được 1.956 tỷ đồng/2.825 tỷ đồng đạt 69,24%; lĩnh vực đường thủy nội địa thực hiện được 733 tỷ đồng/960 tỷ, đạt 76,42%.
Hoạt động vận tải tăng trưởng mạnh sau đại dịch
Một lĩnh vực nổi bật nữa của Bộ GTVT trong năm nay là quản lý hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự ATGT. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, vận tải hàng hóa trong tháng 11/2022 ước đạt 182,5 triệu tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 11 tháng năm 2022, sản lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.832 triệu tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Luân chuyển hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 41 tỷ tấn.km, tăng 29,8% so với cùng kỳ, lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 402 tỷ tấn.km, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hàng hóa 11 tháng của hàng không tăng 2,9%, đường bộ tăng 23,2%, đường thủy tăng 28,9%, đường biển tăn 29,2% và đường sắt tăng 3,6%.
Tháng 11/2022, Thanh tra Bộ GTVT đã thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện tổng số 27 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó có 17 cuộc theo kế hoạch, 10 cuộc đột xuất và đã ban hành 7 kết luận thanh tra, xử lý kinh tế trên 7 tỷ đồng. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT và Thanh tra các Sở GTVT đã thực hiện 63170 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 46.608 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 261,6 tỷ đồng; tạm giữ 310 ô tô; đình chỉ hoạt động 69 bến và 130 phương tiện thủy nội địa; giám sát 1072 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 977 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Vận chuyển hành khách trong tháng 11/2022 ước đạt 283,6 triệu lượt khách, tăng 132,3% so với cùng kỳ; lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 3.350 triệu lượt khách, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2021. Luân chuyển hành khách tháng 11/2022 ước đạt 12,5 triệu HK.km tăng 206,5% so với cùng kỳ, lũy kế 11 tháng năm 2022 ước đạt 155,4 tỷ HK.km tăng 71,4% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT tập trung rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm ATGT các lĩnh vực; tăng cường xử lý xe dù, bến cóc, xử lý xe quá tải trọng và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT, nhất là trong những tháng cuối năm 2022...
Nhiệm vụ trọng tâm cuối năm
Trong tháng cuối cùng của năm 2022, Bộ GTVT xác định công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án; công tác quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự ATGT, phòng, chống lụt bão và công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là tiếp tục là 3 trong số những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Nổi bật trong đó là công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với nhiệm vụ tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt 12 gói thầu của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất và khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 12/2022.
Hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa vào khai thác dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao; điều chỉnh kịp thời kế hoạch 2022 cho dự án có tiến độ thực hiện tốt và hoàn thiện Báo cáo giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT bảo đảm trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, dự kiến vào đầu tháng 1/2023.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tổ chức kiểm tra, làm việc với một số địa phương về chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác bảo đảm TTATGT các lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Chuẩn bị tốt phương án vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, bảo đảm TTATGT, gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội Xuân 2023.
Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, vật tư dự phòng để triển khai ngay các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ATGT, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trật tự, ATGT. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT, những lỗi thường xuyên xảy ra TNGT, nhất là trong dịp cuối năm....
Tập trung kéo giảm TNGT bền vững
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị trong tháng 12/2022, các cơ quan đơn vị của Bộ cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện công tác xây dựng Văn bản quy định pháp luật theo Kế hoạch đã được duyệt; quy hoạch cảng hàng không sân bay đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật; cải cách thủ tục hành chính phải làm nhanh hơn nữa, phân cấp phân quyền phải cụ thể, rõ ràng, không mập mờ, chồng lấn, rõ người rõ việc rõ trách nhiệm.
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đặt ra đối với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020. Tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đặc biệt là công tác GPMB để đảm bảo khởi công 12 gói thầu/12 Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025; tuy nhiên trên tinh thần GPMB thật nhiều thật tốt, khởi công được nhiều gói thầu càng tốt...
Đặc biệt, về công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu những vụ TNGT nghiêm trọng vừa xảy ra, từ góc độ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ GTVT phải lật hết ra để phân tích nguyên nhân; Giải pháp là gì? Khi xác định được giải pháp phải đảm bảo triển khai đồng bộ, tổng thể ngắn hạn và dài hạn, khả thi, nguyên tắc TNGT “giảm” nhưng phải bền vững. Siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề vận tải đường bộ, hàng không và đường sắt.
Tháng 11/2022, toàn quốc xảy ra 1.111 vụ, làm chết 579 người và làm bị thương 833 người. So với tháng 11 năm 2019, số vụ TNGT giảm 523 vụ (-32%), giảm 78 người chết (-11,9%), giảm 438 người bị thương (-34,5%). So với tháng cùng kỳ năm 2021 giảm 70 vụ (-5,93%), tăng 15 người chết (2,66%), giảm 7 người bị thương (-0,83%).
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra 10.323 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.800 người, bị thương 6.973 người. So với 11 tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 5.562 vụ (-35%), giảm 1.175 người chết (-16,8%), giảm 5.171 người bị thương (-42,6%). So với 11 tháng đầu năm 2021, số vụ TNGT tăng 170 vụ (1,67%), tăng 656 người chết (12,75%), giảm 88 người bị thương (-1,25%).