Trạm Cai Lậy đặt đúng vị trí
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã lần lượt trả lời một số vấn đề chính liên quan đến Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) và bảo trì, tăng cường mặt đường QL1. Nhưng những câu trả lời vẫn chưa thể làm thỏa mãn bức xúc của dư luận Nhân dân.
Thứ nhất, trước câu hỏi trạm thu phí hiện nay có đặt đúng vị trí hay không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm Cai Lậy đặt đúng vị trí và nằm trong phạm vi dự án. Ông Đông cũng khẳng định, sẽ không có chuyện di dời hay Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm. “Hơn nữa, trước khi làm Dự án, đặt trạm, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã lấy ý kiến của UBND, HĐND tỉnh Tiền Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đã được thống nhất. Vị trí trạm hiện nay chính do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất bằng văn bản”, ông Đông nhấn mạnh.
Về quá trình hình thành các hợp phần của Dự án, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, dự án được phê duyệt từ năm 2009 nhưng do ngân sách Nhà nước và địa phương khó khăn, nên đến năm 2013 mới quyết định đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP, loại hợp đồng BOT. Ban đầu chỉ có hợp phần tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, nhưng sau đó, do nhận thấy mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy đã xuống cấp nên bổ sung thêm hợp phần cải tạo, nâng cấp. Khi được hỏi, việc bổ sung hợp phần nâng cấp có được trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận hay không, ông Đông nói: “Thủ tướng chỉ phê duyệt về mặt chủ trương, còn chi tiết thì do cơ quan cấp dưới thực hiện”. Ông Đông cũng giải thích, Quỹ bảo trì đường bộ chỉ dùng để bảo trì duy tu đường, còn hợp phần tại đoạn QL1 nêu trên là cải tạo, nâng cấp, không thuộc diện sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Có thể kéo dài thu phí từ 12 - 14 năm
Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi đặt ra hướng đến chất lượng của dự án, đặc biệt là việc 2 cây cầu trong dự án biến thành 2 đoạn cống hộp. Đại diện Bộ GTVT cho biết, việc nghiệm thu dự án được thực hiện căn cứ trên hồ sơ hoàn công và báo cáo của tư vấn. Tình trạng không có hành lang an toàn là do người dân lấn ra sát mép tuyến đường tránh. Còn 2 chiếc cầu bản chỉ dài có 6m, để phù hợp với điều kiện kỹ thuật nên chuyển đổi thành 2 cống hộp. Mặc dù khẳng định Dự án đã được bàn giao, chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 6 vừa qua, nhưng vấn đề thiếu hệ thống chiếu sáng, dải phân cách trên tuyến đường tránh lại không có câu trả lời rõ ràng nào từ phía Bộ GTVT.
Về những lo ngại rằng bức xúc của người dân khu vực và những hành động phản đối sẽ còn tiếp tục kéo dài, Thứ trưởng Đông không đưa ra được một biện pháp cụ thể nào. “Việc hạ mức phí qua trạm BOT Cai Lậy là nằm trong quá trình rà soát, điều chỉnh chung các dự án BOT chứ không phải do phản ứng của người dân. Sắp tới các cơ quan liên quan sẽ có biện pháp thích hợp đối với từng vấn đề”, ông Đông cho biết. Đồng thời vị lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin, việc điều chỉnh mức giá phí qua trạm BOT Cai Lậy sẽ kéo theo việc điều chỉnh phương án tài chính nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Theo tính toán của Bộ GTVT, việc giảm phí qua trạm BOT cho tất cả các phương tiện, đồng thời miễn, giảm phí cho các phương tiện của người dân 4 xã thuộc huyện Cai Lậy có thể sẽ khiến thời gian thu phí kéo dài lên từ 12 - 14 năm.