Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GTVT phản hồi đề xuất đầu tư hàng loạt dự án 3 tỉnh miền Tây

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc trả lời kiến nghị của các tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp.

Thi công tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên
Thi công tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên

An Giang tiếp tục triển khai 2 dự án trọng điểm

Về kiến nghị của tỉnh An Giang, Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của tỉnh, hiện nay, trên địa bàn đang chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong quý I năm 2023 như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang từ giao QL91 tại TP Châu Đốc đến ranh giới với TP Cần Thơ, dài khoảng 57 km, đầu tư giai đoạn 1 đến năm 2025 với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là 13.526,2 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây lắp vào tháng 6/2023.

Tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023; Tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX Tân Châu đến TP Châu Đốc với tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2024.

"UBND tỉnh An Giang không có kiến nghị liên quan đến ngành GTVT, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh An Giang để giải quyết kịp thời các vấn đề có liên quan đến ngành GTVT", Bộ GTVT nêu rõ.

Đầu tư sân bay Cà Mau lên 4C 

Đối với tỉnh Cà Mau, địa phương kiến nghị bổ sung quy hoạch đường cao tốc từ TP Cà Mau đến Đất Mũi vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT cho biết, theo đánh giá trong quá trình tổ chức lập 5 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do nhu cầu vận tải chưa cao nên hành lang TP Cà Mau đến Đất Mũi không quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông lớn (đường bộ cao tốc, đường sắt...) mà chủ yếu quy hoạch các tuyến đường bộ, tuyến đường thủy nội địa có quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Theo quy định tại khoản 5, Điều 4 Luật Quy hoạch, yêu cầu đồ án quy hoạch phải bảo đảm tính khoa học, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước. Đồng thời, Điều 52 Luật Quy hoạch quy định việc điều chỉnh quy hoạch sẽ được rà soát định kỳ 5 năm.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454 ngày 1/9/2021. Do vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt và dựa trên kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ TP Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, Bộ GTVT sẽ rà soát và lưu ý kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch vào thời điểm thích hợp.

Liên quan đến kiến nghị sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ TP Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, Bộ GTVT cho biết, thực hiện Nghị quyết 102 ngày 9/8/2022 của Chính phủ, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn từ TP Cà Mau đến Năm Căn và đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi.

Đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện. "Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trong quá trình nghiên cứu để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai", văn bản nêu rõ.

Theo Bộ GTVT, hiện nay, các dự án này chưa được đưa vào danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29 ngày 28/7/2021 và nguồn vốn cũng rất hạn hẹp, chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ.

Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục cùng Bộ GTVT phối hợp các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn phù hợp để sớm triển khai đầu tư các dự án.

Đối với kiến nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng QL63, Bộ GTVT cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng QL63 qua địa bàn tỉnh Cà Mau đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1782 ngày 25/6/2010. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên đã phải điều chỉnh giảm, Sở GTVT Cà Mau tiếp tục triển khai và đã hoàn thành đoạn Km110+323,27- Km112+782,59.

Đoạn còn lại (Km74+200-Km110+323,27) đã tạm dừng, sẽ tách thành dự án riêng để trình chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.

Về việc hỗ trợ tỉnh mời gọi nhà đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579 ngày 22/9/2021, bến cảng Hòn Khoai thuộc cảng biển Cà Mau được quy hoạch là bến cảng tổng hợp tiềm năng phát triển có điều kiện phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực của nhà đầu tư.

Hiện nay, đã đủ điều kiện và Bộ GTVT ủng hộ việc kêu gọi đầu tư bến cảng Hòn Khoai phục vụ cỡ tàu đến 160.000 tấn phù hợp quy hoạch được duyệt. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chủ động kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư bến cảng Hòn Khoai theo quy định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến kiến nghị nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay hiện nay và xem xét đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 4C, đáp ứng khai thác dòng tàu bay A320/A321, Bộ GTVT cho biết, CHK Cà Mau hiện đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 3C, đáp ứng khai thác tàu bay ATR 72 và tương đương.

Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 4149 ngày 3/11/2014, giai đoạn đến năm 2020, giữ nguyên cấp sân bay 3C và hạ tầng hiện hữu của CHK Cà Mau; giai đoạn đến năm 2030, nâng cấp CHK Cà Mau thành CHK nội địa cấp 4C.

Hiện nay, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó CHK Cà Mau dự kiến quy hoạch với cấp sân bay 4C; giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Theo quy định pháp luật, việc đầu tư xây dựng CHK phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt nên việc nghiên cứu triển khai đầu tư sẽ thực hiện sau khi quy hoạch hệ thống CHK được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn CHK Cà Mau đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai, hiện CHK Cà Mau có thể tiếp nhận một số loại tàu bay Embraer khai thác các đường bay tầm trung 4, giúp kết nối Cà Mau với các trung tâm lớn của cả nước.

Cân đối nguồn vốn dự án giao thông tại Đồng Tháp

Đối với tỉnh Đồng Tháp, địa phương xem xét bố trí nguồn vốn để tái khởi động dự án QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà giai đoạn 2023 - 2025, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, QL30 có điểm đầu tại QL1 (Cái Bè, Tiền Giang), điểm cuối tại Cửa khẩu Dinh Bà, Đồng Tháp.

Chiều dài tuyến khoảng 112 km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III, 2 -4 làn xe. Hiện trạng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khoảng 104 km) đã được đầu tư khoảng 64 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, còn lại khoảng 40 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân và đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí khoảng 51,442 tỷ đồng và năm 2023 khoảng 57,414 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành các dự án đang bị dừng giãn tiến độ; trả nợ vốn ứng trước; trả nợ các dự án BT,…

Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đã cân đối khoảng 5.111 tỷ đồng để đầu tư các dự án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, hiện đã được phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện.

"Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc tiếp tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng QL30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp, nội dung này cũng đã được UBND tỉnh Đồng Tháp có ý kiến thống nhất về thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trên QL30 tại Văn bản 285 ngày 15/9/2020", Bộ GTVT nêu rõ.

Về kiến nghị cân đối vốn triển khai thi công dự án cầu Tân Châu - Hồng Ngự và tuyến N1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, tuyến N1 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 39 km, quy mô quy hoạch đạt cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.

Hiện trạng có quy mô cấp V, 2 làn xe, việc kết nối giữa 2 tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang qua sông Tiền thông qua bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, đây là bến phà còn lại duy nhất trên tuyến N1 sau khi tỉnh An Giang xây dựng hoàn thành cầu Châu Đốc (dự kiến hoàn thành trong năm 2024).

Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 29 ngày 28/7/2021 rất hạn hẹp, nguồn lực tập trung chủ yếu cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí cho các dự án này.

"Bộ GTVT ghi nhận và sẽ nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp khi cân đối được nguồn vốn. Trước mắt, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến N1", Bộ GTVT thông tin.

 

Trước đó, Bộ GTVT nhận được văn bản số 246/GM-BNN-KH ngày 05/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị nghiên cứu và trả lời kiến nghị của các tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp.