Bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tiếp cận thông tin, Dự án Luật Dược (sửa...

Kinhtedothi - Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Tiếp cận thông tin, Dự án Luật Dược (sửa đổi) và thông qua một số luật liên quan đến hoạt động hình sự, tư pháp; Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.

Trong ngày, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Bộ Luật đã bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.

Bộ Luật cũng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh - Ảnh 1
Một điểm đã gây tranh luận trong các phiên thảo luận là có tử hình hay không với người bị kết án tội tham nhũng nhưng khắc phục được hậu quả. Tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội, Bộ Luật đã nâng mức khắc phục từ một nửa lên 3/4. Cụ thể, nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”, thì được miễn tử hình.

Trong Bộ Luật vừa được thông qua, tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" được thay thế bằng các tội danh cụ thể, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh tùy tiện trong áp dụng. Theo đó, có 15 tội danh mới, cụ thể thể hiện các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và có hiệu lực từ 1/7/2016. Trong đó quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn và phải có thời gian để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, do đó Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: Giao cho Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp quy định chi tiết trình tự, thủ tục việc thực hiện. Giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1/1/2017. Chậm nhất đến 1/1/2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Tăng cường biện pháp phong tỏa tài sản tham nhũng
Nghị quyết về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2016 được Quốc hội thông qua, nêu rõ: “Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%”.

Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.