Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ LĐTB&XH sẽ “xuất khẩu” 57.000 lao động có trình độ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động có tay nghề thuộc những lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ ra nước ngoài làm việc chứ không chỉ có cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp.

Thông tin này được Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH Tống Hải Nam cho biết chiều nay 4/7, ngay khi Bộ LĐTB&XH công bố dự thảo Đề án Đưa lao động lao đông trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

Có 3 thị trường lao động được Bộ LĐTB&XH “xuất khẩu” 57.095 lao động sang làm việc là CHLB Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.300 tỉ đồng.
 Người lao động đăng ký tuyển dụng tại sàn giao dịch Hà Nội
Theo giải thích của Bộ này, việc đưa lao động chuyên môn ra nước ngoài làm việc góp phần nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên trường quốc tế cũng như thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận lao động thông qua những “đại sứ văn hóa” là những lao động.

Vì thế, đối tượng tham gia Đề án là lao động tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc làm, có nhu cầu, nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo đúng ngành.

Đề án, được thiết kế theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 đến 2020 đưa được 17.700 người lao động ra nước ngoài làm việc. Trong đó có 3.750 lao động là điều dưỡng, hộ lý và 7.500 kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học sang thị trường lao động CHLB Đức.

Cùng với đó là 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và 3.000 kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang thị trường Nhật Bản.

Và, 1.800 lao động là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin và điện tử theo Chương trình Visa E7 và nhóm nghề dịch vụ 150 người sang thị trường Hàn Quốc.

Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến 2025, sẽ đưa 39.395 lao động ra thị trường 3 nước để làm việc. Cụ thể, thị trường lao động CHLB Đức tiếp nhận 8.325 lao động là điều dưỡng, hộ lý và 16.700 lao động nghề kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học sang làm việc.

Thị trường Nhật Bản sẽ nhận 3.335 lao động là điều dưỡng, hộ lý đi làm việc là 3.335 người. Lao động các nghề kỹ sư công nghệ thộng tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học là 6.670 người.

Đối với thị trường lao động Hàn Quốc, nhóm ngành nghề công nghệ sẽ có 3.965 lao động và dịch vụ 400 người.

Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 1.305 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 432 tỉ đồng và hơn 873 tỉ đồng. Ông Hải Nam cho biết, nguồn kinh phí thực hiện lấy từ ngân sách nhà nước, vốn vay từ ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ Hộ trợ phát triển việc làm ngoài nước.

Thông tin về tiền lương của người lao động đi làm việc tại nước ngoài, theo ông Nam, Bộ LĐTB&XH sẽ đàm phán với từng nước đối tác để người lao động không bị thiệt thòi và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp. Chẳng hạn, tại thị trường Nhật Bản, nghề điều dưỡng có mức lương 120.000 – 150.000 yên/tháng, sau một thời gian, người lao động có kỹ năng tay nghề cao hơn mức thu nhập có thể tăng lên 200.000 yên/tháng.

Trước thông tin, nhiều người cho rằng Đề án này chỉ dành cho người lao động trình độ cử nhân và kỹ sư đang thất nghiệp, ông Hải Nam khẳng định: Đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay đến năm 2018 và định hướng đến năm 2025. Sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động có tay nghề thuộc những lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ ra nước ngoài làm việc chứ không chỉ có cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp.