Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Băn khoăn về hình thức sở hữu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ Luật dân sự (BLDS - sửa đổi). Đa số các đại biểu (ĐB) đều đồng tình đây là đạo luật quan trọng, là bộ luật nền, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình.

Kinhtedothi - Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ Luật dân sự (BLDS - sửa đổi). Đa số các đại biểu (ĐB) đều đồng tình đây là đạo luật quan trọng, là bộ luật nền, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình.

 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng: Dự thảo Bộ luật lần này đã nâng cao được yếu tố hội nhập Quốc tế của một dự luật được coi như luật gốc. Vì vậy, Bộ luật cần được lấy ý kiến trong ba kỳ họp, theo đó kỳ họp này sẽ tập trung vào mục tiêu, quan điểm và xin ý kiến vào các vấn đề chung, còn kỳ họp sau sẽ cho ý kiến về các vấn đề cụ thể của luật, kỳ họp thứ 10 sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua. “Chúng ta không nên vội vàng thông qua ngay luật, mà phải có thời gian để Nhân dân đóng góp ý kiến của mình vào dự thảo luật quan trọng này”, ĐB Khánh nói.

Một vấn đề các ĐB đặc biệt quan tâm là việc quy định rõ các vấn đề về hình thức sở hữu trong dự thảo BLDS. Một số ý kiến cho rằng, để cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân, Bộ luật cần quy định ba hình thức sở hữu gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

Theo các ĐB, việc phân loại như trên bảo đảm tính thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, BLDS chỉ nên quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản; sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Theo đó, việc quy định sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là để phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp là tài sản công thuộc sở hữu của toàn dân, đồng thời tạo chế độ pháp lý cụ thể để Nhà nước thực hiện vai trò của mình trong đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý tài sản công.

"Tôi cho rằng, luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất, do Nhà nước đại diện. Vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, phải bàn tính lại, Nhà nước và tổ chức của Nhà nước, cái nào là pháp nhân, không pháp nhân, có tài sản thế nào… Không nói chung chung được", ĐBTrần Du Lịch (TP.HCM) nói.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cho rằng, cần xác định Luật Dân sự vẫn là bộ luật gốc, bộ luật nền. Hiện nay có một số Luật chuyên ngành được quy định rất cụ thể những nội dung có trong Bộ luật Dân sự như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… Các vấn đề như: Chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ cũng đã có luật chuyên ngành quy định với những nguyên tắc, khái niệm, các chế định điều chỉnh cụ thể.

Bởi vậy, theo ĐB không nên đưa những nguyên tắc cơ bản của Luật chuyên ngành vào Bộ luật Dân sự nhằm tránh chồng chéo và khả năng xung đột sau này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần