Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bố mẹ làm gì để giúp con “chống sốc” khi thi trượt lớp 10?

Nguyễn Trang - Vũ Oanh/VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Sau mỗi kỳ thi, nhiều học sinh nhận được kết quả không như mong muốn, đó có thể là việc chưa đỗ được vào các trường công lập. Không ít em cảm thấy bản thân thất bại, trở nên buông xuôi, tự cô lập với gia đình, bạn bè, người thân, thậm chícó xu hướng tự trừng phạt bản thân.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn được cho là cam go hơn cả việc vào đại học, bởi thí sinh không có nhiều sự lựa chọn. Nhu cầu học trường công lập là rất lớn, trong khi số lượng trường lớp lại có hạn. Mong muốn được học trường công lập là tâm lý chung của đa số phụ huynh, học sinh. Khi kỳ vọng và mong mỏi càng lớn, thì khi kết quả chưa như mong đợi, sự thất vọng lại càng nhiều.

Từ khi biết điểm thi lớp 10 đến nay đã 4 ngày, nhưng con gái chị Phạm Minh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa thể ổn định tâm lý, chấp nhận việc trượt cả 2 nguyện vọng vào trường công lập. Ở nguyện vọng thứ 3, chị đăng ký cho con vào 1 trường ở Hoài Đức – Hà Nội, khoảng cách quá xa, nên ngay từ đầu chị Phương xác định đây là nguyện vọng đăng ký "cho có", nếu trúng tuyển cũng khó có thể theo học trong 3 năm.

“Sau khi biết điểm, con rất buồn, ngoài lúc ăn cơm, cả ngày con nhốt mình trong phòng, không trò chuyện với bất cứ ai trong gia đình. Bố mẹ cũng đã động viên con và chuẩn bị sẵn cho con một trường ngoài công lập chất lượng khá tốt, nhưng con vẫn rất thất vọng và tự trách bản thân khi không đạt được kết quả như mong muốn”, chị Phương chia sẻ.

Sau khi biết điểm, xác định con trượt cả 3 nguyện vọng vào trường công lập, chị Nguyễn Thanh Trúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vội vã tìm đến Trường THPT Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) để đăng ký bổ sung cho con khi nghe tin điểm chuẩn của trường năm nay bất ngờ "lao dốc" 16,25 điểm so với năm trước, còn 23,75 điểm và trường đang nhận hồ sơ bổ sung. Chị Trúc vui mừng vì với mức này thì con chị thừa rất nhiều điểm.

Thế nhưng khi đến trường hỏi, chị Trúc nhận được thông báo, thông tin tuyển bổ sung trên mạng đăng hoàn toàn không chính xác. Trường chỉ công nhận trúng tuyển với những thí sinh có đăng ký nguyện vọng tại trường theo đúng quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội. Vốn đã buồn, mẹ con chị Trúc lại càng thất vọng hơn.

Hết hy vọng với trường công lập, chị Trúc tiếp tục tìm kiếm cơ hội cho con tại các trường ngoài công lập.

Dù đỗ nguyện vọng 2 trường công lập, nhưng con gái chị Minh Thúy (Đống Đa, Hà Nội) vẫn buồn bã, thất vọng vì không thể đỗ ngay nguyện vọng 1: “Con có nguyện vọng thi vào THPT Kim Liên, thế nhưng lại thiếu 0,25 điểm. Mức điểm gần chạm đích này càng làm con cảm thấy thất vọng, buồn bã hơn. Sau khi biết tin trượt nguyện vọng 1, con nhốt mình trong phòng khóc cả ngày. Dù bố mẹ có động viên thế nào con vẫn buồn, chưa thể thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực”.

Thất bại có đáng sợ?

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý cho rằng, càng ngày các kỳ thi càng trở nên căng thẳng. Sau mỗi kỳ thi, nhiều học sinh nhận được kết quả không như mong muốn, đó có thể là việc chưa đỗ được vào các trường công lập. Không ít em khi đó sẽ cảm thấy bản thân thất bại, trở nên buông xuôi, tự cô lập mình với gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí có những em có xu hướng tự chừng phạt bản thân mình.

Chuyên gia tâm lý đặt câu hỏi, “thất bại có thực sự đáng sợ hay không”?

Bố mẹ làm gì để giúp con “chống sốc” khi thi trượt lớp 10? - Ảnh 1

“Thực tế nhiều người thường bị thất bại “cầm tù”, định kiến rằng thành công là tốt, còn thất bại là xấu và khi nói về thành công bao giờ cũng vui hơn thất bại.

Nên chúng ta thường chần chừ trước một nhiệm vụ mới, một sự kiện cảm thấy khó khăn. Khi đó, lo âu sẽ tăng lên, chúng ta không tự tin khi sự kiện đó đang đến gần, chúng ta nói rằng mình chưa sẵn sàng. Đó đều là những dấu hiệu tiền đề của những người thất bại và sợ thất bại, cũng chính là mầm mống làm nguy cơ thất bại cao hơn.

Những thí sinh theo chủ nghĩa hoàn hảo, các bạn cũng luôn có cảm giác mọi thứ phải theo cách này hay cách kia của mình, đó mới là thành công. Nhưng những người như thế thường sợ thất bại và cũng dễ gặp thất bại nhiều hơn.

Bây giờ cùng trở lại câu hỏi “Thất bại có đáng sợ hay không” ? Về cơ bản nó đáng sợ với rất nhiều người vì khi vấp ngã sợ bị chỉ trích và đánh giá thấp, cảm thấy xấu hổ, có lỗi hay lòng tự trọng bị tổn thương và né tránh sự thất bại này.

Chúng ta cố để không đương đầu với thử thách, rồi chúng ta ngừng học hỏi, ngừng tiếp nhận những cái mới, lúc nào cũng chỉ giữ cho bản thân ở mức độ an toàn. Nhưng sự thật là những nhà đầu tư, doanh nhân huyền thoại họ đã từng thất bại rất nhiều trước khi họ thành công”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý cũng dẫn chứng như tỷ phú thế giới Warren Buffett cũng đã từng bị từ chối vào trường đại học Harvard và rất nhiều người nổi tiếng khác họ cũng đã từng thất bại. Có thể thấy thất bại giúp mỗi người tiếp tục học hỏi, tiếp tục mạnh mẽ và có thể thành công hơn những người trong những giai đoạn đầu quá thuận lợi, không gặp thất bại gì.

Trong diễn đàn kinh tế thế giới, một trong những phẩm chất mà các nhà sử dụng lao động tìm kiếm cho đến năm 2030 đó là khả năng phục hồi nhanh chóng và linh hoạt sau thất bại. Các chuyên gia đã dự báo trước rằng, việc thất bại có thể xảy ra trong quá trình học tập hay làm việc. Vậy nên nếu phải đương đầu với những thứ không giống như kỳ vọng và mong muốn thì hãy cứ thất bại. Quan trọng nhất là học được bài học gì, xử lý, thay đổi bản thân, cách đối diện với nỗi sợ đó là cách nhanh nhất để vượt qua sợ hãi và thành công trong tương lai.

Đứng dậy sau mỗi thất bại chính là chìa khoá để mở ra cánh cửa của hạnh phúc và thành công. Bởi vậy thất bại không đáng sợ, không học được gì sau thất bại mới là điều đáng sợ, và từ chối đứng dậy sau thất bại là điều đáng sợ nhất vì điều đó cho thấy chắc chắn sẽ thất bại.

“Những em có kết quả không được như mong muốn hãy bình thường hoá cảm xúc vì thất bại là một điều hiển nhiên trong cuộc sống, ai cũng đã từng thất bại. Hãy tìm ra những bài học từ những sai lầm của bản thân, hãy thử tìm ở những người thành công họ có cách gì để mình có thể học hỏi. Điều chỉnh lại cảm xúc, mục tiêu của mình hợp lý hơn, đôi khi chúng đang ta đặt ra mục tiêu quá cao, quá cầu toàn. Chúng ta sẽ rút ra được những bài học cho lần sau, sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ ai để đạt được mục tiêu tốt hơn. Mọi việc cũng đã qua, không thể thay đổi được quá khứ vậy hãy dành thời gian để chăm sóc bản thân mình, hãy tìm cách để tạo động lực cho bản thân không bỏ cuộc”, PGS.TS Trần Thành Nam nhắn nhủ.

Rút kinh nghiệm từ những sai lầm để chọn hướng đi mới

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đồng quan điểm cho rằng, dù kết quả có thế nào cũng không thể thay đổi được, đó là điều cả phụ huynh và thí sinh cần chấp nhận. Trong giai đoạn này, bố mẹ không nên so sánh hay chỉ trích con, thay vào đó nên phân tích cho con hiểu, trong thi cử, đương nhiên sẽ có người đỗ, người trượt. Kết quả không mong muốn, cả gia đình và con đều buồn nhưng điều quan trọng là các con rút ra được bài học từ đây. Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp.

Về việc chọn trường cho con sau khi trượt, TS Nguyễn Tùng Lâm khuyên phụ huynh cần xem xét nguyện vọng của con, cân nhắc điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn cho con học nghề hay học tiếp bậc THPT tại các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường trước khi đăng ký cho con theo học như điều kiện học tập, phương pháp giáo dục, không nghe theo những quảng cáo trên mạng.

Song cả phụ huynh và học sinh cũng cần hiểu rằng, việc chọn trường quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là sự chủ động của chính bản thân học sinh, bởi dù trường có tốt đến mấy nhưng các em không chịu học cũng không thể đem lại hiệu quả cao.