Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Hoa Kỳ dán nhãn Việt Nam “thao túng tiền tệ”

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, và thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác", đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Trước đó, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ (BTC Hoa Kỳ) đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ". Tại Báo cáo tháng 12/2020, BTC Hoa Kỳ đã đưa vào Danh sách giám sát gồm 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Ấn Độ.
 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, BTC Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) đáp ứng 3 tiêu chí và bị BTC Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.
Ngày 17/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này trong cuộc họp báo thường kỳ, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, trong 25 năm qua, đặc biệt là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế thương mại đầu tư. Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, và thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương khác. "Việt Nam cũng duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên. Khi có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quan hệ hai nước, chúng tôi luôn có trao đổi, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở để tháo gỡ những vấn đề này”, bà Hằng nêu rõ.