Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson dự kiến sẽ đến Kuwait, nước đang giữ vai trò làm trung gian hòa giải căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước Ả Rập khác, vào thứ Hai tuần tới.
Trong một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh, ngày 6/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Qatar Khaled bin Mohammed Al-Attiyah.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạ nhiệt tình hình căng thẳng và các nước đồng minh tại vùng Vịnh có thể tập trung vào những bước đi tiếp theo hướng tới các mục tiêu chung.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 6/7, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ Nhà Trắng "vẫn vô cùng quan ngại" về tình hình quan hệ hiện nay giữa Qatar và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), và nguy cơ cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng bế tắc.
"Chúng tôi cho rằng căng thẳng giữa các nước có thể kéo dài hàng tháng, hoặc thậm chí có thể tiếp tục leo thang" - bà Nauert nói.
Trước đó, ngày 5/6, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này.
Sau đó, 4 nước vùng Vịnh đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này. Bản yêu sách bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, giảm quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar .
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định các yêu cầu mà các nước thuộc khối Ả Rập đặt ra với Doha là "phi thực tế và không thể thực hiện được".