Bộ Ngoại giao Nga: Các nước trong JCPOA cần tuân thủ đầy đủ các cam kết

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành viên của Ủy ban Kế hoạch Hành động toàn diện chung khẳng định các nước còn lại trong Thỏa thuận hạt nhân Iran cần tuân thủ đầy đủ các cam kết.

Ngày 16/12, đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh - những nước còn lại trong Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã nhóm họp trực tuyến thảo luận về những thách thức sau khi Tehran thông báo kế hoạch tiếp tục đình chỉ thực hiện cam kết trong thỏa thuận có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
 Đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh đã nhóm họp trực tuyến để thảo luận về những thách thức hiện tại đối với JCPOA.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các nước còn lại tham gia JCPOA ủng hộ việc tuân thủ trở lại các cam kết đã được thống nhất trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân đa phương này.
"Đại diện các quốc gia thành viên tái khẳng định về sự cần thiết phải thực hiện đúng các cam kết trong JCPOA, Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; nhất trí tiếp tục tìm các giải pháp hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các bên sớm tuân thủ trở lại các cam kết ban đầu" - thông cáo của Bộ Ngoại Nga nêu rõ.
Bộ này cũng nhấn mạnh rằng chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran nhằm "tạo ra những trở ngại cho việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận hạt nhân" vẫn là những thách thức lớn nhất đối với JCPOA.
Cũng trong cuộc họp ngày 16/12, đại diện các nước đã thảo luận về chương trình nghị sự cho cuộc họp cấp bộ trưởng của các thành viên trong JCPOA dự kiến ​​vào ngày 21/12 tới.
Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng JCPOA trong ngày 21/12.
Ngày 8/5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran.
Đúng 1 năm sau, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Tehran tạm thu hép một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Theo phía Iran, các bên còn lại trong JCPOA, đặc biệt là các cường quốc châu Âu, chưa có giải pháp hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với kinh tế của Tehran do lệnh cấm vận của Mỹ./.