Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về việc bổ nhiệm con trai mình là Vũ Quang Hải làm lãnh đạo Sabeco. Trong đó VAFI cho rằng việc bổ nhiệm là sai quy trình. Ngày 16/6, VOV dẫn lời ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT Sabeco - người trực tiếp ký công văn xin nhận nhân sự về làm lãnh đạo cho Sabeco phản pháo lại văn bản của VAFI. Theo ông Tuất, VAFI đưa ra 3 tình tiết không đúng: Thứ nhất, VAFI nói ông Vũ Quang Hải về làm đại diện phần vốn của nhà nước tại Tổng công ty CP rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vô căn cứ. Luật pháp không quy định cho phép như vậy và Bộ Công Thương cũng thừa biết điều này.
Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT của Sabeco, hiện là Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công Thương ). Nguồn ảnh: VOV |
Thứ hai là việc VAFI nói ông Vũ Quang Hải làm thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quá trình làm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng là thông tin chưa chuẩn xác. Những con số này PVN sẽ biết rất rõ, thậm chí khi ông Hải về lãnh đạo PVFI còn góp phần giúp công ty này cắt lỗ. Thứ ba, VAFI đưa thông tin trước đây Sabeco hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lãi gấp đôi so với Vinamilk để đến bây giờ để lỗ chỉ bằng 1/3 Vinamilk cũng lại là thông tin “siêu” không chính xác, điều này thể hiện là người không hiểu gì về tài chính. Sở dĩ có sự so sánh khập khiễng này là do VAFI đã chỉ lấy doanh số từ một công ty mẹ của Sabeco so sánh với doanh số Vinamilk toàn hệ thống. Trong khi đó, nếu tích hợp hết như hệ thống của Vinamilk, Sabeco hiện nay kinh doanh hiệu quả gấp 4 lần so với Vinamilk. Nói về lý do Sabeco đề xuất xin cán bộ quản lý, ông Tuất cho hay, trong bối cảnh thời điểm ông bắt đầu công tác tại Sabeco có nghị quyết về kiện toàn hệ thống cán bộ và quy hoạch cán bộ. Chính trong thời điểm này (cuối năm 2014), bốn nhân sự đại diện vốn của Sabeco đều gần đến tuổi về hưu và không còn đủ nhiệm kỳ. Vì vậy đã có một cuộc họp của HĐQT để bàn về vấn đề này. “Sau đó chúng tôi gửi công văn đề xuất lên Bộ Công Thương đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN). Trước tiên là bổ sung ba phó tổng giám đốc. Những vị trí này phải đạt ba tiêu chí là tiếng Anh phải giao tiếp tốt, có trình độ thạc sĩ trở lên và ưu tiên người trẻ. Một vấn đề của Sabeco lúc đó là gần như cán bộ lãnh đạo không biết tiếng Anh nên tiếp khách quốc tế rất ngượng!” - ông Tuất cho hay. Với các tiêu chí trên, Sabeco tìm ra được hai người là anh Nguyễn Minh An có bằng master kinh doanh quốc tế; anh Nguyễn Thành Nam là master kinh doanh. Người thứ ba là Vũ Quang Hải. Bởi trước đó, qua trao đổi với Bộ Công Thương, đồng thời có hỏi Bộ là có ai phù hợp không và ưu tiên những người có kinh nghiệm DN. Qua đó chúng tôi được biết ông Hải - lúc đó đang làm ở Cục Xúc tiến thương mại, có kinh nghiệm hai năm làm tổng giám đốc tài chính công đoàn dầu khí… Mặt khác, Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ cũng có ý kiến giới thiệu ông Hải vào đấy cũng tốt. “Do đó chúng tôi mới làm công văn xin đích danh cả ba người trên”.
Ông Vũ Quang Hải được cho là có vai trò trong việc giúp Sabeco tăng trưởng mạnh khi nắm vai trò lãnh đạo. Ảnh: plo.vn |
Theo ông Tuất, sau khi anh Hải vào Sabeco, Hội đồng Quản trị cũng đã xin ý kiến Đại hội cổ đông, bổ nhiệm 3 nhân sự này, trong đó có anh Hải làm Phó Tổng giám đốc. Từ khi anh Vũ Quang Hải nắm vai trò lãnh đạo đến nay, Sabeco vẫn đang tăng trưởng rất mạnh, đó là điều đáng mừng. Việc VAFI đánh giá anh Vũ Quang Hải được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Sabeco khi còn quá trẻ cũng là cách đánh giá không khách quan. Việc Vũ Quang Hải 28 tuổi – người đã từng tu nghiệp 6 - 7 năm ở Anh quốc, trình độ chuyên môn tốt, tiếng Anh giỏi và có kinh nghiệm thì làm Phó Tổng Giám đốc của một Tổng Công ty lớn không có gì là sớm. “Còn chuyện anh Hải là con của lãnh đạo là yếu tố ngẫu nhiên khác. Nói cho cùng, kể cả không cần biết người đó là con của ai, chỉ cần thấy người đó làm việc hiệu quả, đủ tiêu chuẩn thì đương nhiên phải được ưu tiên”, ông Tuất cho biết.