Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bộ Nông nghiệp không thất bại trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long đã nhấn mạnh như trên tại cuộc họp báo do Bộ này tổ chức chiều 14/10 xung quanh tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi tại Hà Nội.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, từ khi bùng phát hồi tháng 2/2019 đến nay, bệnh DTLCP đã khiến 5,5 triệu con lợn bị tiêu hủy, tuy nhiên hiện tổng đàn lợn bị tiêu hủy đang giảm dần. Dự kiến trong tháng 10/2019, sẽ giảm 26% so với tháng 9/2019 và 60% so với thời điểm tháng 5/2019 - giai đoạn cao điểm bệnh DTLCP hoành hành.
Đại diện Cục Thú y cho biết, theo thống kê của 56/63 tỉnh, TP, tổng đàn lợn của các tỉnh, TP hiện còn khoảng 22 triệu con. Trong đó, có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cho mục tiêu lợn tái đàn.
“Cùng với các bộ ngành, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh DTLCP. Tôi khẳng định, dù đàn lợn bị tiêu hủy lớn, nhưng Bộ không thất bại trong phòng chống bệnh DTLCP…” - ông Long nói.
Cùng với số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, việc giá lợn giống hiện đang tăng cao cũng khiến người chăn nuôi dè dặt trong tái đàn. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này có thể khiến nguồn cung thịt lợn trong những tháng cuối năm 2019 bị thiếu hụt.
Dù vậy, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển gia súc lớn, gia cầm để thay thế thịt lợn. Thực tế trong những tháng qua, sản lượng thịt bò, gia cầm (gà), trứng gia cầm và thủy sản đều tăng. Đây sẽ là nguồn thực phẩm bổ sung quan trọng cho những tháng cuối năm.
Cũng theo đại diện Bộ NN&PTNT, thực tế cho thấy, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học đã và đang góp phần quan trọng vào giảm thiểu tổn đàn lợn bị tiêu huỷ. Và nếu tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trên thì sẽ giảm thiểu tối đa khả năng thiếu thịt lợn dịp cuối năm.